Thứ sáu,  05/07/2024

Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập

– Sáng 20/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến toàn quốc về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập. Đồng chí Bùi Ngọc Lam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 có nhiều quy định mới về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, trong đó có quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định riêng trong Mục 6 Chương II gồm 24 điều. Để hướng dẫn thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời gian qua, công tác kê khai, công khai và kiểm soát TSTN đã dần đi vào nền nếp, phát huy tác dụng trong PCTN, tiêu cực. Tính đến đầu năm 2023, cả nước có trên 1,4 triệu người kê khai TSTN lần đầu. Riêng năm 2022, cả nước có trên 545 nghìn người kê khai TSTN, trên 44 nghìn người kê khai TSTN bổ sung, trên 161 nghìn người kê khai TSTN phục vụ công tác cán bộ, 655 nghìn người đã được công khai và kê khai TSTN. Các cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh tài sản thu nhập trên 13 nghìn người, trong đó hơn 2,6 nghìn người có sai sót về kê khai, xử lý 54 người vi phạm vì kê khai TSTN không trung thực.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, thảo luận về một số khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai như: xác định đối tượng kê khai, loại tài sản, giá trị tài sản phải kê khai; xác định tổng thu nhập và thời gian kê khai giữa hai lần người có nghĩa vụ kê khai TSTN; công tác xác minh kê khai TSTN của người có nghĩa vụ kê khai, nhất là các tài sản về nhà, đất đai, tiền, vàng gửi tại ngân hàng; thẩm quyền xác minh TSTN kê khai tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; vướng mắc việc kê khai, xác minh, trùng chéo cấp quản lý người có nghĩa vụ kê khai; thẩm quyền xác minh trong các lực lượng vũ trang; đề nghị tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá sau 5 năm thực hiện Luật PCTN năm 2018, sửa đổi một số nội dung trùng chéo, bất cập; trong khi chưa sửa đổi, bổ sung Luật PCTN năm 2018 đề nghị Thanh tra Chính phủ có thông tư hướng dẫn cụ thể hơn; nghiên cứu ban hành quy định cung cấp thông tin xác minh TSTN; quy trình kiểm soát TSTN thống nhất trong toàn quốc…

Trong chương trình, đồng chí Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ giải trình, làm rõ về một số nội dung đại biểu quan tâm, như: đối tượng phải kê khai; kê khai bổ sung do kê chưa đầy đủ trong lần kê khai đầu; kê khai tài sản cầm quỹ trong tài khoản ngân hàng do cá nhân đứng tên nhưng không phải của cá nhân; hướng dẫn kê khai các khoản vay, mượn, cổ phiếu; kê khai tài sản của vợ/chồng, nhất là vợ/chồng làm kinh doanh, dòng tiền biến động;…

Kết luận hội nghị, đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao công tác triển khai tổ chức thực hiện kê khai TSTN tại các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị: Người có nghĩa vụ kê khai cần xác định ý thức trách nhiệm của mình, trung thực trong kê khai; các cơ quan có thẩm quyền xác minh cần công tâm, khách quan trong đánh giá, xác minh và ra kết luận; các cơ quan phối hợp trong triển khai thực hiện công tác kê khai, xác minh TSTN cần chặt chẽ hơn. Qua kê khai, xác minh, nếu phát hiện không trung thực hoặc có vi phạm thì nghiêm khắc xử lý, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Đồng chí tiếp thu, ghi nhận các ý kiến tham luận, thảo luận của đại biểu. Những ý kiến này là cơ sở để Thanh tra Chính phủ xem xét, tổng hợp, nghiên cứu tham mưu Chính phủ ban hành các quy định chung, thông tư hướng dẫn, quy trình kê khai, kiểm soát TSTN rõ ràng, chặt chẽ hơn nữa để thống nhất thực hiện hiệu quả trong toàn quốc.

THANH HUYỀN