Thứ hai,  08/07/2024

Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước chính thức đi vào hoạt động

Tiền thân của Sở An toàn thực phẩm là Ban Quản lý an toàn thực phẩm. Qua một thời gian thí điểm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 6 năm qua.

Trao Quyết định bổ nhiệm cho đồng chí Phạm Khánh Phong Lan và đồng chí Lê Minh Hải  

Ngày 30/12, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị, đồng chí Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chấm dứt thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh; Nghị quyết của HĐND Thành phố về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh.

Đồng thời, công bố và trao Quyết định của Chủ tịch UBND Thành phố bổ nhiệm đồng chí Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố giữ chức vụ Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố; bổ nhiệm đồng chí Lê Minh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố, thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.

Tiền thân của Sở An toàn thực phẩm là Ban Quản lý an toàn thực phẩm. Qua một thời gian thí điểm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố trong hơn 6 năm qua.

“Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Thành lập Sở là cơ hội và cũng là thách thức đối với Thành phố, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là cấp thiết cho một đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh. Mô hình này là một bước đột phá trong tiến trình phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân làm kim chỉ nam cho hành động, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển TP Hồ Chí Minh và tình hình thực tiễn của địa phương”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố phát biểu tại Hội nghị.

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được và đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong thời gian tới, đồng chí Dương Anh Đức đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà Sở An toàn thực phẩm cần chú ý trong thời gian tới.

Thứ nhất, kiện toàn bộ máy tổ chức của Sở và triển khai ngay các công việc đảm bảo an toàn thực phẩm đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 sắp tới.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm, phát hiện biểu dương các điển hình tiên tiến mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, công khai tổ chức cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định.

Thứ tư, liên kết chặt chẽ với các tỉnh, gắn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, thúc đẩy việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm với các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể trên địa bàn Thành phố.

Tân Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm, tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm kể cả về xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm.

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cam kết tiếp tục tập trung cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, để người dân Thành phố được sử dụng thực phẩm một cách an toàn và an tâm.

“Với tư cách là một sở thì chúng tôi sẽ có cơ sở pháp lý vững vàng hơn, sẽ được Thành ủy, UBND Thành phố và các bộ chủ quản quan tâm hơn, nhưng đồng thời cộng đồng cũng có đòi hỏi cao hơn. Trong năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống thực phẩm bẩn và xây thực phẩm sạch, không để xảy ra khoảng trống trong việc chuyển giao bởi người dân Thành phố không thể dừng tiêu thụ thực phẩm một ngày nào”, đồng chí Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Đồng chí Phạm Khánh Phong Lan cũng thông tin, thời gian tới Sở có kế hoạch tuyên truyền về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức độ cao hơn, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh liên kết với Sở NN&PTNT Thành phố cũng như các tỉnh khác để bảo đảm thực phẩm sạch từ nguồn, cùng các doanh nghiệp phát triển bền vững thực phẩm sạch tìm được đầu ra, thị trường ổn định tại Thành phố. Đồng thời, Sở cũng sẽ đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và phân phối thực phẩm.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan sinh ngày 17/5/1970 tại Khánh Hòa. Đồng chí từng là giảng viên Khoa Dược, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Đồng chí đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh từ ngày đầu Thành phố thí điểm (năm 2017 đến nay). Đồng thời đồng chí cũng là Chủ tịch Hội Dược học, Phó Chủ tịch Hội Đông y Thành phố và đại biểu Quốc hội khóa 13, 14, 15./.

Nguồn:https://dangcongsan.vn/xa-hoi/so-an-toan-thuc-pham-dau-tien-cua-ca-nuoc-chinh-thuc-di-vao-hoat-dong-656880.html

Theo dangcongsan.vn