Thứ sáu,  20/09/2024

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CÁC ỨNG CỬ VIÊN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV, NHIỆM KỲ 2021 – 2026

Ông Triệu Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 – 2021

Thực hiện quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân năm 2015, tôi được cơ quan, địa phương nơi cư trú và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn tín nhiệm giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV nhiệm kỳ 2021- 2026. Tôi nhận thức sâu sắc rằng đây là vinh dự lớn cho bản thân, đồng thời cũng thấy được nhiệm vụ, trách nhiệm nặng nề trước Đảng, Nhân dân, trước cử tri cả nước nói chung, cử tri tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Tôi ý thức rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước do Nhân dân bầu ra. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động Nhà nước. ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, không chỉ đại diện cho Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; ĐBQH là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội.

Trong bối cảnh đất nước ta hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH nền kinh tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đến nay đã và đang thu được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó tỉnh Lạng Sơn được biết đến là một trong những cầu nối hội nhập kinh tế của cả nước với khu vực và thế giới; giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: là một tỉnh biên giới, có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống; quy mô nền kinh tế nhỏ; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội còn yếu và thiếu đồng bộ; khả năng huy động các nguồn lực cho đầu tư còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực thấp; vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nông nghiệp còn khó khăn; nghề nghiệp, việc làm, nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp thiếu; thu nhập bình quân tính theo đầu người thấp, đời sống người dân nông thôn, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, biên giới còn nhiều khó khăn; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; thiên tai, dịch bệnh (đặc biệt là dịch Covid-19) gây thiệt hại cho sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội và đời sống Nhân dân;… Đây là những vấn đề rất cần được quan tâm trong thời gian tới.

Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XV nhiệm kỳ 2021- 2026, tôi sẽ có điều kiện thuận lợi hơn khi được tham gia vào các hoạt động của đất nước nói chung và của tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Tôi dự kiến xây dựng Chương trình hành động của cả nhiệm kỳ với một số nội dung chính như sau:

1. Tích cực tham gia công tác lập pháp của Quốc hội, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước phù hợp yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, dễ áp dụng, tính ổn định và khả thi. Thường xuyên nghiên cứu, nắm bắt tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, của tỉnh và địa bàn nơi ứng cử để kịp thời giải quyết hoặc có những đề xuất, kiến nghị giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại cản trở sự phát triển. Trên cơ sở đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bản thân tham gia xây dựng chính sách pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Tăng cường giám sát các cơ quan Nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật và mang lại hiệu quả thiết thực.

2. Thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của đại biểu Nhân dân, mọi hoạt động trước hết phải vì lợi ích chính đáng của Nhân dân. Do đó, tôi sẽ liên hệ chặt chẽ, thường xuyên tiếp xúc với cử tri để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, HĐND, các cơ quan chức năng hữu quan và giám sát giải quyết các vấn đề cử tri kiến nghị đến nơi đến chốn và đạt hiệu quả cao nhất.

3. Có trách nhiệm nghiên cứu kỹ các ý kiến, kiến nghị, khiếu nại của công dân, kịp thời chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân. Có trách nhiệm vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của HĐND và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

4. Với trách nhiệm của Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, tôi luôn có tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết thống nhất, cùng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, cụ thể:

– Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh; tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường đầu tư, huy động các nguồn lực bằng nhiều hình thức để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, công nghiệp xanh, an toàn và hiện đại;

– Triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết số 88/2019 QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyên môn hóa sản xuất, nông nghiệp công nghệ cao, sản lượng cao, nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các giải pháp về an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm các tầng lớp Nhân dân được thụ hưởng những chính sách tốt nhất về các lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe và giải quyết việc làm.

– Nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các giải pháp trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư; chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ có phẩm chất, năng lực để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Lạng Sơn và đất nước.

– Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách Nhà nước và xã hội hóa bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy với chính quyền các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh.

5. Ra sức học tập, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nâng cao nhận thức chính trị, năng lực lãnh đạo, quản lý để làm tốt nhiệm vụ của người cán bộ, người đại biểu Nhân dân, xứng đáng với niềm tin của cử tri và đồng bào trong tỉnh.