Thứ bảy,  21/09/2024
Biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống:

Kinh nghiệm từ cơ sở

LSO-Thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống, giai đoạn 2011 – 2015” và triển khai các năm tiếp theo, các huyện, thành phố, sở, ngành đã chú trọng thực hiện công tác này.

*Ông Linh Văn Kim, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hữu Lũng: “Phân công chuyên viên phụ trách công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ”.

Đến hết tháng 10/2017, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã hướng dẫn biên soạn xong lịch sử đảng bộ cho 18/26 đảng bộ xã, thị trấn, 1 đảng bộ cơ quan và 7 cuốn kỷ yếu ngành. Có được kết quả ấy là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Xác định cần có chuyên viên phụ trách công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, từ năm 2009, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã phân công đồng chí Nguyễn Hữu Phúc, chuyên viên của ban trực tiếp tham gia hướng dẫn, giúp đỡ các xã thực hiện công tác nghiên cứu. Sau khi xác định được quy trình và thời gian biên soạn lịch sử đảng bộ ở từng xã, đồng chí chuyên viên sẽ phối hợp với cơ sở sưu tầm tài liệu, gặp gỡ nhân chứng sống để lấy thông tin. Trên cơ sở những dữ liệu thu thập được, đồng chí giúp đỡ các xã hoàn thành việc biên soạn lịch sử đảng bộ.

Với sự hỗ trợ từ chuyên viên của Ban Tuyên giáo, công tác biên soạn lịch sử đảng bộ của các xã trên địa bàn huyện diễn ra đúng quy trình, tiết kiệm được thời gian và kinh phí.

*Ông Trương Văn Lô, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Quan: “Khai thác tư liệu qua nhân chứng sống là quan trọng”.

Thời gian trước, các xã không có trụ sở nên thiếu nơi lưu giữ, nhiều tư liệu bị thất lạc, chính bởi vậy việc thu thập thông tin qua nhân chứng sống là rất quan trọng. Trước khi làm, các cán bộ xã phụ trách nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng phải tìm hiểu trên địa bàn có bao nhiêu nhân chứng sống là lão thành cách mạng; lãnh đạo địa phương trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sau chiến tranh có những ai, ai có khả năng cung cấp thông tin về các sự kiện lịch sử… từ đó triển khai thu thập thông tin phục vụ cho công tác này.

Bằng các hình thức khai thác tư liệu qua trò chuyện, phỏng vấn, từ hồi ký… của các cụ từ thế hệ trước, nhiều thông tin có giá trị được đưa vào cuốn lịch sử đảng bộ xã. Nhờ đó, các cuốn sách lịch sử Đảng đã xuất bản đều đảm bảo về mặt khoa học, đạt yêu cầu chất lượng về nội dung và hình thức. Tính đến nay, huyện hoàn thành 11/24 cuốn lịch sử đảng bộ xã, thị trấn và 1 cuốn lịch sử Đảng bộ Quân sự huyện.

*Ông Nguyễn Văn Giang, Chánh Văn phòng Sở lao động -Thương binh và Xã hội: “Lãnh đạo ngành luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống”.

Nhận thấy được ý nghĩa của việc ghi lại truyền thống vẻ vang ngành lao động – thương binh và xã hội Lạng Sơn qua các thời kỳ, thời gian qua, lãnh đạo sở đã rất quan tâm, định hướng nội dung, đồng thời chỉ đạo cán bộ trong Ban Biên tập xây dựng kế hoạch nghiên cứu, biên soạn lịch sử ngành. Các cán bộ đã chủ động tìm kiếm, sưu tầm tư liệu từ Trung tâm lưu trữ Quốc gia III; Phòng lưu trữ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh; tư liệu từ cộng tác viên… Lãnh đạo sở cũng chỉ đạo tổ chức các hội thảo, mời chuyên gia và cán bộ lão thành hoạt động trong ngành đến để thẩm định nội dung, góp ý vào bản thảo để sản phẩm đạt chất lượng. Với quyết tâm cao, chỉ sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, cuốn lịch sử ngành lao động – thương binh và xã hội tỉnh, giai đoạn 1945 – 2010 đã hoàn thành. Cuốn sách là công trình khoa học có ý nghĩa to lớn, là kho tư liệu quý giá, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.

PHƯƠNG DUNG – THANH MAI