Thứ hai,  01/07/2024

Nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch

Việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) thời gian qua đã làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch nước ta, góp phần vào việc tăng trưởng lượng du khách, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực này tại các địa phương. Tuy nhiên, quá trình này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.Vẫn còn nhiều bất cậpThực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001- 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành du lịch đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển CSHT du lịch. Giai đoạn từ năm 2006 đến 2010, nguồn vốn hỗ trợ tập trung đầu tư khoảng 314 dự án, trong đó, tổng số dự án và hạng mục đã hoàn thành tính đến năm 2009 là 112 dự án, với tổng vốn Ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ đạt 3.460 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn từ trung ương, hằng năm, các địa phương cũng bổ sung vào đầu tư CSHT du lịch khoảng 10% tổng vốn của ngân sách trung ương. Ngoài ra,...

Việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) thời gian qua đã làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch nước ta, góp phần vào việc tăng trưởng lượng du khách, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực này tại các địa phương. Tuy nhiên, quá trình này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Vẫn còn nhiều bất cập

Thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001- 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành du lịch đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển CSHT du lịch. Giai đoạn từ năm 2006 đến 2010, nguồn vốn hỗ trợ tập trung đầu tư khoảng 314 dự án, trong đó, tổng số dự án và hạng mục đã hoàn thành tính đến năm 2009 là 112 dự án, với tổng vốn Ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ đạt 3.460 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn từ trung ương, hằng năm, các địa phương cũng bổ sung vào đầu tư CSHT du lịch khoảng 10% tổng vốn của ngân sách trung ương. Ngoài ra, ngành du lịch cũng tranh thủ được nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã và đang triển khai cho các dự án về CSHT ở bảy tỉnh của ba miền đất nước.

Việc thực hiện sử dụng nguồn vốn đầu tư CSHT du lịch đã làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch thời gian qua. Những hạng mục và dự án hoàn thành đã từng bước phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến việc thúc đẩy đầu tư vào du lịch, cải thiện CSHT du lịch của các địa phương, giúp du khách tiếp cận được các điểm đến, tăng thu nhập du lịch của các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, quá trình triển khai đầu tư trong lĩnh vực này từ năm 2006 đến 2010 cũng cho thấy những hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Nhiều công trình còn đầu tư kéo dài, không hoàn thành đúng tiến độ dự án đề ra. Nguyên nhân là do các công trình không được cân đối đủ vốn, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước trợ giúp đầu tư CSHT du lịch chỉ đáp ứng được khoảng 22 đến 25% nhu cầu. Các địa phương bố trí bổ sung nguồn vốn rất thấp, nhất là với các địa phương không có khả năng tự cân đối về ngân sách khiến nhiều dự án CSHT du lịch còn kéo dài, không hoàn thành đúng tiến độ. Mức vốn ngân sách Nhà nước hằng năm đầu tư cho CSHT du lịch còn bị động, không xác định được rõ ràng khả năng hỗ trợ của ngân sách trung ương cho dự án và mức vốn địa phương phải tự bổ sung, cho nên việc phê duyệt dự án không đủ căn cứ bảo đảm vốn cho dự án.

Mặt khác, một số địa phương đã tự bố trí vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương phân bổ theo hướng phân tán, dàn trải. Có những dự án không nằm trong danh mục đăng ký kế hoạch với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoặc mở thêm các công trình mới, trong khi các dự án chuyển tiếp thiếu nhiều vốn để hoàn thành, thậm chí còn sử dụng vốn sai mục đích. Điều này, dẫn đến việc kéo dài thời hạn hoàn thành công trình, tăng khối lượng nợ đối với các dự án chuyển tiếp và ảnh hưởng đến việc phát triển CSHT du lịch theo mục tiêu nhằm tạo tính liên hoàn, liên kết giữa các vùng. Về nguyên tắc, ngành du lịch có trách nhiệm quản lý việc thực hiện nguồn vốn hỗ trợ đầu tư CSHT du lịch. Tuy nhiên, do đặc điểm riêng của mỗi địa phương, các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư CSHT du lịch được quản lý theo nhiều cách khác nhau. Có nơi, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gặp khó khăn trong việc lập và tổ chức triển khai kế hoạch vốn đầu tư CSHT du lịch, quản lý, theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện nguồn vốn này.

Giải pháp tháo gỡ

Trong hội nghị triển khai công tác ngành năm 2010 mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những đề xuất Chính phủ cho tiếp tục chương trình hỗ trợ đầu tư CSHT du lịch giai đoạn 2011- 2015 theo hướng tập trung ưu tiên tại một số địa phương có khu du lịch quốc gia, địa bàn trọng điểm du lịch miền trung- Tây Nguyên, các điểm du lịch có khả năng thu hút nhiều khách ở vùng phụ cận các trung tâm du lịch; hình thành các tua, tuyến du lịch liên hoàn giữa các vùng du lịch trọng điểm, giữa các địa phương. Tập trung dứt điểm các công trình chuyển tiếp để phát huy hiệu quả dự án đầu tư và nghiên cứu ban hành cơ chế nhằm huy động các nguồn lực đầu tư CSHT du lịch, giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước.

Để nâng cao tính hiệu quả của vốn hỗ trợ đầu tư CSHT du lịch, ngành du lịch và các địa phương sẽ tập trung chủ động xây dựng quy hoạch đầu tư CSHT du lịch, căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của địa phương; đưa ra được các dự án ưu tiên đầu tư cho từng năm của giai đoạn tới và làm rõ các dự án ưu tiên có khu du lịch quốc gia, các dự án thuộc địa bàn trọng điểm phát triển du lịch để tạo nên được các khu du lịch nổi trội, có thương hiệu, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất, cần căn cứ vào nguồn thu và khả năng cân đối của từng tỉnh, thành phố để đưa ra các mức đối ứng vốn địa phương cho phù hợp trong các dự án đầu tư CSHT du lịch chứ không nhất thiết phải áp dụng chung mức 50% vốn đối ứng. Các tỉnh có khó khăn về nguồn thu nên được tăng cường vốn hỗ trợ và có thể đạt mức 80 đến 100% tổng vốn đầu tư của dự án.

Trong phát triển các khu du lịch quốc gia và các dự án thuộc địa bàn khó khăn, Nhà nước nên xây dựng cơ chế huy động vốn đầu tư CSHT du lịch từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, phát hành trái phiếu; thực hiện hình thức BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao) trong việc đầu tư CSHT du lịch gắn với các cơ sở dịch vụ kinh doanh du lịch; điều tiết các khoản thu ngân sách địa phương và có cơ chế về sử dụng các ưu đãi đầu tư trong đầu tư phát triển CSHT du lịch… Các địa phương cũng nên xây dựng một chương trình cụ thể về vận động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các dự án CSHT du lịch.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đầu tư CSHT du lịch cần được nhanh chóng chấn chỉnh lại theo hướng phát huy trách nhiệm của ngành du lịch (cấp trung ương) và UBND các tỉnh, thành phố, trong đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đầu mối trong việc quản lý, từ khâu lập dự án, thẩm định, phân bổ vốn và trong suốt quá trình quản lý, thực hiện dự án; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đầu tư.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề xuất cơ chế giao kế hoạch và chế độ báo cáo tình hình thực hiện đầu tư CSHT du lịch phù hợp, nhằm bảo đảm đầu tư đúng mục tiêu phát triển, tránh đầu tư dàn trải, phân tán, tăng tính tự chủ của các địa phương trong việc huy động các nguồn vốn và sử dụng ngân sách Nhà nước. Việc giao kế hoạch hằng năm về đầu tư CSHT du lịch nên có danh mục dự án hướng dẫn kèm theo, dựa trên cơ sở thống nhất về mục tiêu phát triển du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND các tỉnh, thành phố.
Theo Nhandan