Thứ sáu,  20/09/2024

Chi Lăng phát triển du lịch di tích gắn với sinh thái

(LSO) – Chi Lăng là huyện có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, đây còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, với nhiều di tích in đậm chiến công hiển hách của dân tộc như: Ải Chi Lăng, Quỷ Môn Quan… Từ những thế mạnh đó, huyện đã xác định việc đẩy mạnh phát triển du lịch di tích gắn với sinh thái là hướng đi cho phát triển du lịch bền vững tại địa phương.

Huyện Chi Lăng có quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn đi qua. Đây là hai tuyến vận chuyển quan trọng trong việc kết nối với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, Chi Lăng có hệ thống di tích  rất đa dạng, nổi bật là Khu Di tích lịch sử Chi Lăng gồm 52 điểm di tích. Ngoài ra, huyện còn có cảnh quan phong phú và đa dạng với những danh thắng nổi tiếng như: hang Gió, đập Bãi Hào, thảo nguyên Khau Sao… Ngoài lợi thế về cảnh quan tự nhiên và giá trị lịch sử, Chi Lăng còn là địa bàn có diện tích trồng na lớn với thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng nổi tiếng khắp cả nước, là tiền đề vô cùng thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp gắn với tham quan vườn cây ăn quả.

Xác định được những tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, năm 2018, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch số 76 ngày 16/3/2018 về phát triển du lịch. Trong đó nêu rõ, mục tiêu đến năm 2020, huyện sẽ hình thành tuyến du lịch tham quan Khu Di tích lịch sử Chi Lăng gắn với mô hình trồng cây ăn quả đặc trưng của huyện; phấn đấu đến năm 2020 huyện sẽ thu hút khoảng 1 triệu lượt khách du lịch.

Du khách tham quan và chụp ảnh tại khu vực thảo nguyên Khau Sao, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng

Để thực hiện mục tiêu đó, cùng với các cơ chế, chính sách của tỉnh, thời gian qua, UBND huyện Chi Lăng đã và đang triển khai nhiều chương trình như: phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam xây dựng đề án phát triển du lịch trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035; phối hợp với các cấp, ngành chức năng hoàn thiện việc đầu tư xây dựng và phát triển Khu Di tích lịch sử Chi Lăng…

Năm 2019, huyện tiếp tục đầu tư, tu bổ, tôn tạo Lũy Ải, ải Chi Lăng, lắp biển chỉ dẫn kèm theo nội dung chi tiết, cụ thể của từng di tích nhằm phục vụ khách du lịch. Đồng thời hoàn thiện một số hạng mục cơ sở về du lịch như: xây dựng hệ thống đèn cao áp, lắp đặt các pano hình ảnh quảng bá du lịch; xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến du lịch ở xã Hữu Kiên, đồng thời đẩy mạnh khai thác các sản phẩm từ ngựa bạch như: cao ngựa, thịt ngựa khô… để phục vụ du lịch.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được quan tâm, cụ thể như: tiến hành xây dựng catalog tập hợp các thông tin về du lịch huyện; tăng cường quảng bá các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của địa phương như: na, quýt, bưởi… tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các gian hàng giới thiệu sản vật địa phương, các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách tại Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư mời gọi các nhà đầu tư với nhiều cơ chế ưu đãi; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tại Khu Di tích Chi Lăng; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ tại 9 cơ sở lưu trú (trong đó có 86 buồng với 138 giường nghỉ).

Hiện nay, bước đầu huyện đã hình thành và đưa vào khai thác tuyến du lịch tham quan các điểm di tích lịch sử gắn với vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn với lộ trình: Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng – Lũy Ải – đền Quan Trấn Ải – ải Chi Lăng – núi Mặt Quỷ – khu vực trồng các sản phẩm nông nghiệp an toàn như na, bưởi. Tuyến tham quan thứ 2 tại các điểm: đền Chầu Năm (thị trấn Chi Lăng) – Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng – đền Quan Trấn Ải – đền Chầu Bát – miếu Cô Chín (thị trấn Chi Lăng) – đền Chầu Mười (xã Hòa Bình) – Trung tâm giới thiệu nông sản… Với giải pháp này, tại các điểm đến trong chuỗi hành trình, du khách sẽ được tản bộ vào các vườn na, vườn cam, bưởi cùng các sản vật khác để thưởng ngoạn và nếm thử các đặc sản của vùng. Nhờ những nỗ lực đó, năm 2018, lượng khách du lịch đến với huyện Chi Lăng đã đạt 96.000 lượt (tăng 17% so với năm 2017).

Bà Đinh Thị Thao, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chi Lăng cho biết: Để việc khai thác các tiềm năng du lịch được hiệu quả, thời gian tới, phòng tiếp tục xây dựng kế hoạch, tham mưu nhiều giải pháp cho UBND huyện triển khai thêm nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó trọng tâm là tổ chức thành công hội thảo xây dựng và phát triển Khu Di tích lịch sử Chi Lăng (dự kiến cuối tháng 3).

TUYẾT MAI