Thứ sáu,  20/09/2024

Cần quan tâm đào tạo đội ngũ thuyết minh viên du lịch

(LSO) – Thuyết minh viên (TMV) tại các điểm di tích lịch sử văn hóa được coi là kênh thông tin chuyển tải đầy đủ nhất, nhanh nhất những giá trị của di sản đến du khách. Tuy nhiên, thực tế tại Lạng Sơn đội ngũ này đang vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chất lượng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động du lịch.

   Thiếu về số lượng

Lạng Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với 335 điểm, khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cùng hàng trăm lễ hội lớn, nhỏ và 42 điểm du lịch tiêu biểu được UBND tỉnh công nhận. Tuy nhiên, đội ngũ TMV tại các điểm du lịch lại rất hạn chế về số lượng. Hiện nay, mặc dù toàn tỉnh có 74 TMV du lịch (hay còn gọi là hướng dẫn viên du lịch tại điểm) được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cấp thẻ chứng nhận nhưng số TMV trực tiếp làm việc tại 4/42 điểm du lịch của tỉnh lại chỉ có 15 người. Còn lại là các TMV kiêm nhiệm đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị khác như: Tỉnh đoàn, Cung Thanh thiếu nhi, Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện… Những TMV kiêm nhiệm này chỉ được huy động khi có sự kiện lớn của tỉnh.

Thuyết minh viên tại khu danh thắng Nhị – Tam Thanh cung cấp thông tin cho du khách

Trong những ngày đầu tháng 8/2019, một đoàn khách du lịch từ Sài Gòn đã vượt hàng ngàn cây số về thăm Xứ Lạng. Trong tâm trạng háo hức, đoàn khách đã đến tham quan các điểm du lịch như: khu du lịch Mẫu Sơn; Ga Đồng Đăng, chùa Tân Thanh, cửa khẩu Hữu Nghị… Chị Nguyễn Thu Xuân, một du khách trong đoàn cho biết: Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Lạng Sơn. Tôi thấy Lạng Sơn có nhiều cảnh đẹp, ẩm thực  rất ngon, tuy nhiên, hơi đáng tiếc là nhiều điểm du lịch chúng tôi đến lại không có TMV nên chưa hiểu lắm về ý nghĩa, quá trình xây dựng cũng như những giá trị đặc sắc của các điểm du lịch này.

Tình trạng thiếu TMV, đặc biệt vào những dịp lễ hội đã và đang là thực tế tại nhiều điểm du lịch của Lạng Sơn. Ông Bạch Đỗ Tiến, Phó trưởng Ban quản lý di tích lịch sử và danh thắng huyện Chi Lăng cho biết: “Hiện, ban mới chỉ có 2 hướng dẫn viên du lịch tại điểm, vào những dịp khách du lịch đến đông như đợt lễ hội na năm 2018, chúng tôi rơi vào tình trạng thiếu hướng dẫn viên, phải nhờ một số hướng dẫn viên bên ngoài để đáp ứng nhu cầu của du khách”.

   Chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu

Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng đội ngũ TMV ở các khu, điểm du lịch còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều TMV chưa trang bị cho mình kiến thức chuyên môn sâu về lịch sử, văn hoá tại điểm du lịch mà mình phụ trách. Do tự học, tự đào tạo tại chỗ nên trong công việc còn lúng túng về kỹ năng giao tiếp với đám đông, khả năng giải quyết tình huống chưa linh hoạt, khéo léo, đa phần các TMV chưa thành thạo ngoại ngữ.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh, bà Nông Bích Diệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn thẳng thắn nhìn nhận: Hiện nay, chất lượng TMV của khu di tích Nhị Tam Thanh – Thành Nhà Mạc chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bài thuyết minh chưa được kiểm duyệt chất lượng nên giới thiệu sơ sài, không toát lên được giá trị của di tích.

Đáng chú ý, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng TMV vẫn còn hạn chế. Được biết từ năm 2016 đến nay, Sở VHTTDL mới tổ chức duy nhất một lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng dành riêng cho đội ngũ TMV, còn lại hằng năm, sở tổ chức từ 1 – 2 lớp tập huấn về du lịch nhưng lại dành cho nhiều đối tượng và lồng ghép nhiều nội dung khác trong lĩnh vực du lịch. Chị Phạm Thị Thanh Hà, TMV tại Bảo tàng Bắc Sơn cho biết: Tôi làm TMV tại Bảo tàng được hơn nửa năm nay; để đáp ứng yêu cầu công việc, tôi tự tìm tòi, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm sau mỗi lần tiếp đoàn. Chúng tôi mong các cấp, ngành sẽ có thêm nhiều lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ TMV hơn để chúng tôi có thể tiếp tục trau dồi và làm tốt công việc của mình.

Năm 2019, một số địa phương đã có những hoạt động mới nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ TMV. Cụ thể, vào ngày 18/7/2019, UBND thành phố Lạng Sơn đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho gần 350 người là các TMV tại di tích; các cộng tác viên là viên chức, công chức, cán bộ văn hóa các phường, xã; giáo viên trên địa bàn thành phố tham gia. Cùng đó, trong 2 ngày (21 và 22/7/2019) UBND huyện Bắc Sơn đã tổ chức  tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng xử văn minh du lịch cho trên 30 người là các TMV; người dân làm du lịch cộng đồng…

Phó Giáo Sư, Tiến Sỹ Dương Văn Sáu, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại Học Văn hóa Hà Nội cho rằng: Tỉnh cần chú trọng hơn tới việc xây dựng tiêu chí, phương thức tuyển dụng để lựa chọn đội ngũ TMV tại các khu, điểm du lịch. Bên cạnh đó, đối với đội ngũ TMV đang công tác cần tổ chức các chương trình đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tập huấn, các chuyến đi giao lưu, nghiên cứu, học tập. Đồng thời, cơ quan quản lý cần tổ chức sát hạch thường xuyên để nâng cao chất lượng đội ngũ này…

TUYẾT MAI