Thứ sáu,  20/09/2024

Du lịch An Giang: Vừa thu hút, vừa giữ chân du khách

Tỉnh An Giang tập trung đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với tỷ trọng đóng góp trực tiếp GRDP 8,8% và đón trên 10 triệu lượt khách. Theo đó, xác định mục tiêu ngành du lịch An Giang năm 2020 là “vừa thu hút, vừa giữ chân du khách”.

Du lịch An Giang: Vừa thu hút, vừa giữ chân du khách

Lễ hội đua bò Bảy Núi – nét văn hoá đặc sắc thu hút hang chục nghìn lượt người mỗi năm.

 

An Giang là tỉnh đầu nguồn vùng châu thổ sông Cửu Long, nơi nổi tiếng với Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam ở TP Châu Đốc. Đây là điểm đến du lịch văn hoá tâm linh nổi tiếng khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, hằng năm thu hút hơn 5 triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái.

Bên cạnh dãy Thất Sơn hùng vĩ, An Giang còn có rừng tràm Trà Sư xanh hút mắt. Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu của vùng Tây sông Hậu, điểm đến yêu thích của du khách quốc tế khi đến với An Giang.

Rừng tràm Trà Sư ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

 

Ngoài ra, An Giang còn có nhiều lễ hội đặc sắc như Lễ hội đua bò Bảy Núi và cộng đồng các dân tộc Chăm, Hoa, Khmer sinh sống cộng cư với những bản sắc văn hóa đa dạng và độc đáo. Năm 2019, với nỗ lực đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến, An Giang đã thu hút hơn chín triệu lượt khách đến tham quan, doanh thu ước đạt hơn 5.500 tỷ đồng, đưa du lịch An Giang đến gần hơn với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Mục tiêu đề ra đến năm 2020 là “vừa thu hút, vừa giữ chân du khách”. Theo đó, An Giang tập trung đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với tỷ trọng đóng góp trực tiếp trong GRDP là 8,8% và đón hơn 10 triệu lượt khách (trong đó khách lưu trú chiếm 20%); có ít nhất một khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 3 – 4 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô vừa; khai thác tốt tuyến du lịch kết nối nội – ngoại vùng và tuyến du lịch xuyên biên giới Việt Nam – Campuchia – Thái Lan – Lào.

Miếu bà Chúa xứ Núi Sam – điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh An Giang.

 

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư các khu điểm du lịch đạt chuẩn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, thì công tác quảng bá, xúc tiến luôn góp phần quan trọng trong việc giới thiệu hình ảnh, văn hóa, con người An Giang, cũng như sự hấp dẫn và tiềm năng của ngành du lịch. Trước mắt, cần tập trung quảng bá cho các sản phẩm du lịch hiện có, trên cơ sở sản phẩm du lịch có sẵn, nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp để tăng tính cạnh tranh, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang tiếp tục tham gia các sự kiện hội chợ, triển lãm du lịch lớn trên toàn quốc để quảng bá hình ảnh, thông tin về du lịch An Giang đến với du khách như: Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam tại Hà Nội; Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh, các sự kiện trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia; và các sự kiện du lịch khác.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm.

 

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về các sự kiện du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; In mới, tái bản các ấn phẩm, brochure quảng bá về du lịch; Đẩy mạnh công tác quảng bá thông tin, hình ảnh trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang, thường xuyên chia sẻ tin bài, sự kiện về du lịch An Giang trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Du lịch.

Thánh đường Mubarak của cộng đồng dân tộc Chăm ở An Giang.

 

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch như rà soát thông tin, hình ảnh, xây dựng hệ thống ấn phẩm du lịch điện tử phục vụ mục đích tra cứu thông tin du lịch, hỗ trợ tìm kiếm thông tin, địa chỉ về các khu – điểm du lịch, các khách sạn, nhà hàng, quán ăn cho du khách như app du lịch, mã QR… Đẩy mạnh công tác hỗ trợ du khách qua tổng đài 0911 575 911 của Điểm hỗ trợ du khách An Giang, hướng đến phát triển hỗ trợ du khách trực tuyến trên Zalo.

Khai thác và phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường mục tiêu như đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền trung – Tây Nguyên và một số tỉnh, thành phố phía bắc. Hướng đến kết nối, hợp tác phát triển du lịch với Vương quốc Campuchia. Xây dựng các chương trình hợp tác, quảng bá, kết nối xây dựng các sản phẩm du lịch giữa An Giang và các tỉnh, thành phố của Vương quốc Campuchia. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch An Giang đến các thị trường tiềm năng trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo Nhandan