Thứ sáu,  20/09/2024

Năng động khai thác nhiều phương thức kinh doanh mới

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế chịu tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, một số đơn vị, doanh nghiệp đã năng động sáng tạo, khai thác triệt để các phương thức kinh doanh mới lạ, kích thích người tiêu dùng mua sắm và đem lại doanh số cao, trụ vững trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành.

Năng động khai thác nhiều phương thức kinh doanh mới

Du lịch bằng du thuyền trên biển – một xu thế nghỉ dưỡng được nhiều người ưa chuộng.

Những “gói ưu đãi” kích cầu mua sắm

Khi dịch Covid-19 trong nước đã bước đầu được kiểm soát, hệ thống khách sạn Vinpearl và công viên vui chơi VinWonders tung ra “gói ưu đãi” khuyến mãi kích cầu du lịch trực tuyến có quy mô nhất từ trước đến nay. Theo đó, trong khung giờ 12 – 14 giờ hằng ngày trong vòng một tuần (từ 26-4 đến 2-5), Vinpearl và VinWonders mở bán voucher (thẻ giảm giá) du lịch – vui chơi giải trí trên nền tảng online của hệ thống, với 14 nghìn voucher phòng khách sạn, ưu đãi 50%, thời gian lưu trú đến hết ngày 30-11 và hơn 30 nghìn voucher vui chơi, ưu đãi 50% trong thời gian đến hết tháng 7.

Voucher du lịch của Vinpearl là kỳ nghỉ cao cấp trọn gói 3 ngày 2 đêm bao gồm vé máy bay khứ hồi, chi phí 2,5 triệu đồng/người. Mặc dù còn tâm lý e dè nhưng với chi phí rẻ bằng một nửa so với trước kia, cùng thời gian được “nới rộng” tới cuối tháng 11 cho nên nhiều người đã không ngại ngần canh trên máy tính để “săn” voucher ưu đãi. Tương tự, khi thị trường du lịch đang bị “đóng băng” do dịch Covid-19, nhiều hãng du lịch, lữ hành vẫn bán chạy tua bằng chiêu thức bán voucher giảm giá. Gần đây, một công ty du lịch đã tung ra 1.000 voucher du ngoạn 2 ngày 1 đêm trên vịnh Hạ Long bằng du thuyền 5 sao, với mức giá giảm 50%. Thời gian sử dụng voucher này kéo dài tới hết năm 2020, khách hàng có thể sử dụng cho tất cả các ngày trong tuần, trừ dịp lễ. Giá tua trọn gói dành cho 2 người chỉ nhỉnh hơn 4 triệu đồng, trong khi cùng thời điểm này năm trước, mức giá đó chỉ đi được một người và phải đặt chỗ trước ít nhất 1 tháng. Du lịch Hạ Long trên các “khách sạn 5 sao nổi” là hình thức du lịch nghỉ dưỡng mới mẻ, “sống trên biển”, tách biệt hoàn toàn với đất liền và đang là xu thế hướng tới của nhiều khách du lịch.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lưu ý người tiêu dùng cần nghiên cứu kỹ các voucher, nhất là những voucher của các đơn vị, doanh nghiệp nhỏ lẻ, không có tên tuổi trên thị trường. Ðặc điểm của các voucher khuyến mại này là quảng cáo mập mờ, không rõ ràng, nếu khách hàng không đọc kỹ rất dễ bị lừa. Chẳng hạn, trong voucher ghi giá 1,5 triệu đồng/người, nhưng trong điều khoản của voucher lại yêu cầu phải đặt ít nhất từ 2 người trở lên, có nghĩa mức giá là 3 triệu đồng, không khác gì mức giá bình thường, chưa kể lại bị thu phụ phí trẻ em. Một loại voucher du lịch khác với quảng cáo “Flash deal” có giá bán rất rẻ cũng khiến nhiều người lầm tưởng. Ðây là những voucher có hạn rất ngắn, người mua phải sử dụng ngay. Ðồng thời, voucher này cũng đi kèm những điều kiện bắt buộc như phụ thu vào cuối tuần, chính sách không hoàn, huỷ khi đặt phòng,… do vậy, nếu không cân nhắc kỹ đã vội vã đặt mua là đồng nghĩa với việc mất tiền oan. Chị Lê Ngọc Dung, một chuyên viên tư vấn du lịch đã đưa ra lời khuyên cho khách hàng: “Ðể mua các voucher du lịch, người dùng cần đọc kỹ các chính sách đi kèm. Thông thường, các doanh nghiệp đều đưa ra những ưu đãi hấp dẫn trong các voucher và lẩn đi những điều kiện ràng buộc đi kèm. Về luật, họ vẫn đúng khi đưa ra các con số đó cho nên người mua cần tìm hiểu kỹ để tránh tiền mất tật mang.

Cơ hội xoay chuyển tình thế

Do đánh trúng tâm lý “bán hàng chất lượng cao với giá rẻ”, các voucher dù tung ra trong thời điểm nền kinh tế “ngủ đông” vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng. Theo phân tích của các đơn vị nghiên cứu công nghệ thông tin, trong bối cảnh giãn cách xã hội vừa qua, số lượng người ở nhà làm việc trực tuyến tăng cao, trái ngược với hoạt động kinh doanh truyền thống bị ế ẩm, nhu cầu mua hàng trực tuyến của hầu hết các ngành hàng đều tăng; trong đó, tăng mạnh nhất là mặt hàng nhu yếu phẩm (tăng 250%), dụng cụ nhà bếp (58%), mỹ phẩm (49%), thời trang (42%),…

Trước thời điểm dịch bệnh xảy ra, người dân Việt Nam trung bình sử dụng in-tơ-nét khoảng 28 giờ/tuần, giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua tăng lên ít nhất từ 35 – 40 giờ/tuần, chủ yếu bằng điện thoại thông minh.

Giữa tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên tại Việt Nam, hãng hàng không thế hệ mới Vietjet Air tung ra chiếc thẻ bay “vạn năng” Power Pass cho phép người dùng bay không giới hạn trên gần 300 chuyến bay mỗi ngày và 45 đường bay của Vietjet phủ khắp Việt Nam. Khách hàng sở hữu thẻ bay sẽ được miễn phí 100% giá vé, miễn phí 15 kg hành lý ký gửi, 7 kg hành lý xách tay và đặc biệt là không giới hạn số lần bay trên tất cả các chuyến bay nội địa của hãng trong suốt thời hạn hiệu lực của thẻ. Khách hàng cũng không bị giới hạn số lần thay đổi lịch trình, mỗi lần thay đổi chỉ phải trả một khoản phí nhỏ (100 nghìn đồng). Ðáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, Vietjet Air cung cấp hai loại thẻ Power Pass Sky 6 (giá 9 triệu đồng), khách hàng thực hiện các chuyến bay nội địa trong sáu tháng (đến hết ngày 30-9) và thẻ Sky 12 với giá 17 triệu đồng, bay nội địa trong 12 tháng (đến hết ngày 31-3-2021). Vietjet Air cũng giảm giá 50% cho 100 thẻ Sky 6 và 100 thẻ Sky 12; đồng thời, tặng 300 nghìn đồng cho khách hàng thanh toán qua thẻ tín dụng và thẻ thanh toán quốc tế mới của Ngân hàng HDBank.

Ngay sau đó, Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng công bố nâng cấp sản phẩm Flight Pass (vé rẻ cả gói) do hãng hợp tác với Công ty Công nghệ về phát triển tiện ích mua vé theo gói Optiontown. Ðây là sản phẩm mua vé theo gói xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam, được hãng cho ra mắt từ tháng 7-2019. Chỉ một lần mua, hành khách sẽ sở hữu gói sản phẩm bao gồm vé cho nhiều chuyến bay đến một hoặc nhiều điểm đến do hãng khai thác. Số lượng chuyến bay được lựa chọn đa dạng, từ 4 đến 1.000 chuyến, với hiệu lực khởi hành trong vòng từ 1 đến 12 tháng tùy theo nhu cầu của hành khách.

Khi mua gói sản phẩm, hành khách không cần xác định trước ngày bay cho đến khi sẵn sàng đặt chỗ. Gói vé Flight Pass được tiếp tục cải tiến với nhiều ưu điểm so các sản phẩm tương tự như cho phép đến 400 người sử dụng chung một gói; thời gian đặt chỗ linh hoạt đến ít nhất sáu giờ trước lúc khởi hành; toàn bộ chi phí của gói sản phẩm đã bao gồm tiền vé máy bay, thuế, phí, phụ thu,… hành khách không phải trả thêm bất cứ chi phí nào khi mua vé. Hành khách bay nhiều hoặc đặt chỗ sớm, chi phí có thể tiết kiệm đến 50% giá vé máy bay. Chi phí của gói sản phẩm được xác định dựa trên số lượng đường bay, chuyến bay, số lượng hành khách sử dụng gói, thời hạn khởi hành, thời hạn đặt chỗ và hạng dịch vụ. Ðối với khách hàng, doanh nghiệp phải bay thường xuyên, đây là một cơ hội tốt để giúp tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể.

Theo nhận định của một số chuyên gia về du lịch, những chiêu thức nêu trên thực chất là hình thức “bán hàng trong tương lai”. Khi sản phẩm, dịch vụ được khuyến mãi với mức giảm sâu, khách hàng rất thoải mái, vui vẻ chấp nhận đặt tiền trước, giao hàng sau. Cách thức này đã giúp doanh nghiệp đẩy mạnh doanh thu ngắn hạn, bù đắp vào thiếu hụt dòng tiền trong thời điểm khó khăn vừa qua. Tuy nhiên, các chuyên gia đồng thời cũng cảnh báo, áp dụng hình thức “bán hàng trong tương lai” giống như chơi dao hai lưỡi, nếu doanh nghiệp không tính toán kỹ và lượng sức mình sẽ rơi vào tình trạng “oằn lưng” trả nợ sau khi dịch chấm dứt. Có thể thấy, trong khi dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, nhưng vẫn có cơ hội cho các doanh nghiệp xoay chuyển tình thế, nắm bắt cơ hội để thành công, miễn sao tính toán, lượng vừa sức mình để tránh những tác động tiêu cực về sau.

Theo Nhandan