Thứ sáu,  20/09/2024

Ngành du lịch tỉnh: Tái khởi động sau dịch bệnh

– Đầu năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số tỉnh, thành trên cả nước đã gây ảnh hưởng nặng nề cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nhất là du lịch, trong đó có du lịch Lạng Sơn. Hiện nay, sau khi dịch bệnh được kiểm soát và khống chế, tỉnh đã triển khai nhiều phương án để phục hồi ngành “công nghiệp không khói”.

Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết: Ngay từ đầu năm 2021, chúng tôi đã chủ động quản lý, rà soát các hoạt động cung ứng dịch vụ, lữ hành; yêu cầu các khu, điểm du lịch trên địa bàn tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ; tiến hành rà soát, kiểm tra các cơ sở du lịch. Chỉ đạo triển khai đến các huyện, thành phố, các cơ sở kinh doanh du lịch về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, theo dõi tự đánh giá tình hình an toàn Covid-19 tại các cơ sở lưu trú; tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 tại các điểm du lịch. Mặt khác, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng thêm một số sản phẩm du lịch mới để kích cầu du lịch nội địa.

Du khách tham quan, trải nghiệm điểm du lịch Núi Cha, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình

Theo đó, để kích cầu du lịch, ngành du lịch tỉnh đã đẩy mạnh khảo sát, khai thác tiềm năng du lịch từng địa phương. Đầu tháng 2/2021, Sở VHTTDL đã tiến hành khảo sát Thác Xăng – Thác Mây, huyện Văn Lãng; Lân Luông – Thiện Hòa, huyện Bình Gia và làm việc với UBND các huyện: Văn Lãng và Bình Gia về xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, ngành VHTTDL cũng thường xuyên chú trọng tới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Tiêu biểu, Trung tâm thông tin Xúc tiến du lịch xuất bản hơn 1.000 tập gấp quảng bá về du lịch Lạng Sơn, đăng tải hàng trăm tin, bài, ảnh về du lịch tỉnh trên trang tin điện tử.

Ngoài ra, công tác nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cũng được ngành chú trọng. Tiêu biểu, trung tuần tháng 3/2021, ngành đã tổ chức cho gần 50 người là các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực du lịch học tập kinh nghiệm tại tỉnh Cao Bằng. Cùng đó, bồi dưỡng kiến thức về đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế địa phương – du lịch văn hóa sinh thái cho hơn 50 học viên là các cán bộ công tác trong ngành du lịch tỉnh và chủ các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.

Mặt khác, các huyện, thành phố cũng rất quan tâm tới hoạt động tái khởi động du lịch sau dịch. Cụ thể, thành phố Lạng Sơn mở cửa trở lại Phố đi bộ Kỳ Lừa và miễn phí vé vào cửa một số di tích tâm linh. Hay như huyện Bắc Sơn tổ chức các sự kiện văn hóa thu hút du khách; đầu tư xây dựng mới dịch vụ lưu trú cao cấp và nâng cấp một số nhà nghỉ, nhà hàng hiện có; nhân rộng, hoàn thiện các điều kiện cơ sở vật chất, nghiệp vụ để đón khách tại làng du lịch cộng đồng tại Hoan Trung, xã Chiến Thắng…

Cùng với nỗ lực của các cấp, ngành, hiện nay, nhiều doanh nghiệp du lịch tại Lạng Sơn đã tìm cách tái khởi động với nhiều giải pháp, chiến lược phát triển du lịch trong tình hình mới. Ông Lý Xuân Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thanh Vũ cho biết: Để phù hợp với xu hướng năm nay của du khách, công ty đã cung ứng sản phẩm riêng dành cho khách lẻ, thiết kế khung chương trình du lịch truyền thống nhưng đảm bảo sự tự do, thoải mái của loại hình du lịch tự túc theo combo từ 4 đến 15 khách, dành cho nhóm khách gia đình hoặc bạn bè có nhu cầu đi du lịch với mong muốn đảm bảo mức an toàn cao nhất.

Ngoài ra, du lịch theo hướng giãn cách xã hội, chọn điểm đến vắng, ít người, trong đó có đi bộ xuyên rừng (trekking) đang được nhiều người lựa chọn. Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều doanh nghiệp du lịch đã đưa ra các chương trình khuyến mãi, kích cầu để thu hút du khách. Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thương gia Travel cho biết: Trong tháng 4 và tháng 5 sắp tới, công ty sẽ liên tục tổ chức nhiều hoạt động trong hành trình trekking Huyền thoại núi Cha với nhiều mức giá ưu đãi khác nhau.

Có thể thấy, Lạng Sơn đã, đang tập trung triển khai đồng bộ các hoạt động quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch… Qua đó, từng bước khắc phục khó khăn, tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển trong thời gian tới.

“Trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn những diễn biến phức tạp, du khách chủ yếu lựa chọn du lịch theo nhóm nhỏ vào dịp cuối tuần, trong đó, ưu tiên những điểm đến ít du khách, xa trung tâm, có không gian xanh, thoáng và biệt lập nhưng chất lượng dịch vụ cao cấp. Cụ thể, trước đây, mỗi tour du lịch bình thường có quy mô 20 – 30 khách, nhưng nay, do dịch bệnh sẽ thu hẹp quy mô, chỉ còn nhóm nhỏ từ 5 đến dưới 10 người nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe. Theo đó, Hiệp hội sẽ tiếp tục khai thác lợi thế này để thích ứng với bối cảnh hiện tại”.

Bà Hoàng Kim Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh

TUYẾT MAI