Thứ năm,  19/09/2024

Phát huy các điểm du lịch sau khi được công nhận

– Thời gian qua, việc triển khai xây dựng và công bố tuyến, điểm du lịch đã góp phần quan trọng trong  việc định hướng, nâng cao ý thức về phát triển du lịch tại các địa phương trong tỉnh. Từ đó, mở ra cơ hội mới cho các khu, điểm du lịch trên địa bàn trong việc xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm và thu hút đầu tư.

Hiện nay, toàn tỉnh có 46 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận, trong đó: thành phố Lạng Sơn có 15 điểm, Bắc Sơn có 7 điểm, Cao Lộc có 6 điểm, Chi Lăng có 4 điểm, Văn Lãng có 3 điểm, Lộc Bình có 3 điểm, Hữu Lũng có 4 điểm, Bình Gia có 2 điểm, Tràng Định có 1 điểm, Văn Quan có 1 điểm.

Sau khi được công nhận, UBND các huyện, thành phố đã  nỗ lực để phát huy giá trị các điểm du lịch như: thu hút các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm du lịch, khai thác tài nguyên nhân văn để phát triển du lịch văn hóa. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, lễ hội được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Từ năm 2016 đến nay, các cấp, ngành đã đầu tư trên 200 tỷ đồng cho các hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các điểm du lịch.

Cán bộ Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh thuyết minh cho du khách về điểm du lịch Ga Đồng Đăng, huyện Cao Lộc

Tiêu biểu, thành phố Lạng Sơn đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để nâng cao chất lượng các điểm du lịch như: bảo vệ cảnh quan, môi trường; tăng cường quản lý đầu tư, xây dựng cơ sở dịch vụ tại các điểm du lịch. Đặc biệt, đối với 13 điểm du lịch là các điểm di tích, chính quyền thành phố thường xuyên quan tâm bảo tồn giá trị các di tích. Nhiều điểm du lịch như: đền Cửa Bắc,  đền Kỳ Cùng, đền Tả Phủ, chùa Tiên… đã được xây dựng, tu bổ kịp thời. Từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để xây dựng, tu sửa và phát huy giá trị các điểm du lịch.

Không chỉ thành phố Lạng Sơn, nhiều địa bàn khác trong tỉnh như: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc… cũng thực hiện tốt công tác phát huy giá trị các điểm du lịch sau khi được công nhận. Sau khi các điểm du lịch được công nhận đã tạo sự lan tỏa giúp cho các địa phương quan tâm hơn đến công tác đầu tư cơ sở vật chất, phấn đấu hoàn thiện các điều kiện để được công nhận thêm các điểm du lịch mới.

Bà Đinh Thị Thao, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chi Lăng cho biết: Được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh đã mở ra cơ hội lớn cho địa phương trong việc khai thác tiềm năng du lịch. Thời gian qua, chúng tôi đã và đang tập trung đầu tư vào 4 điểm du lịch đã được tỉnh công nhận… Theo đó, giai đoạn 2015-2020, huyện đầu tư trung bình 200-300 triệu đồng/năm cho 4 điểm du lịch đã được công nhận tại địa bàn, đồng thời tăng cường kết nối với các tuyến, khu điểm du lịch khác trong huyện và các vùng lân cận.

Việc được công nhận như lời khẳng định, điểm đến có tài nguyên du lịch và đảm bảo các yêu cầu để phục vụ du khách tốt nhất khi đến với Xứ Lạng. Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Các điểm du lịch được công nhận là một yếu tố rất thuận lợi trong công tác truyền thông, giúp tăng tính đa dạng cho du lịch tỉnh, từ đó giúp các đơn vị lữ hành khai thác thêm được nhiều tour du lịch mới. Tuy nhiên, tại một số điểm, kết cấu hạ tầng vẫn chưa đồng bộ, chúng tôi mong muốn các điểm du lịch tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, công tác quảng bá và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị lữ hành, các cơ sở kinh danh du lịch trong tỉnh.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để phát huy hiệu quả của các điểm du lịch, thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra tình hình hoạt động tại các điểm du lịch. Cùng đó, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch cho ban quản lý các điểm du lịch, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên; xây dựng kế hoạch cụ thể, lộ trình hoàn thiện các tiêu chí điểm du lịch…

Có thể thấy rằng: các điểm du lịch được công nhận đang và sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn trên địa bàn. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trong công tác phát triển du lịch. Từ đó, định hướng cho việc thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm cũng như từng bước chuyên nghiệp hoá công tác quảng bá, xúc tiến thị trường, xây dựng thương hiệu.

Theo quy định của Luật Du lịch 2017, để được công nhận là “điểm du lịch”, các điểm đến phải đáp ứng các điều kiện như: có tài nguyên du lịch và có ranh giới xác định; có kết cấu hạ tầng và dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch; đồng thời, đáp ứng các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Các điểm du lịch góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Xứ Lạng

– Sau khi được công nhận, các huyện, thành phố đã tích cực thực hiện các giải pháp nhằm gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của các điểm du lịch này nhằm góp phần thu hút du khách, nâng cao chất lượng du lịch của tỉnh.

Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hữu Lũng: “Các điểm du lịch sau khi được công nhận đã có sự thay đổi theo hướng tích cực”.

Hữu Lũng có 4 điểm du lịch được công nhận gồm: Đền Bắc Lệ (xã Tân Thành), đền Quan Giám Sát (xã Hòa Lạc), Làng du lịch cộng đồng xã Hữu Liên và Làng du lịch cộng đồng xã Yên Thịnh. Sau khi có quyết định công nhận, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, 4 điểm du lịch trên đã được đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Tại các điểm đã hình thành được bộ phận chuyên trách về thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ khách tham quan. Nhờ đó, lượng khách đến tham quan, du lịch tại các điểm ngày càng tăng. Tiêu biểu đền Bắc Lệ trung bình mỗi năm thu hút khoảng 1 triệu lượt khách.

Trong thời gian tới, huyện tập trung kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch với các sản phẩm mũi nhọn là du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm và du lịch cộng đồng.

Bà Dương Hồng Hạnh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Sơn: “Các điểm du lịch được công nhận tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền và liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch”.

Huyện Bắc Sơn hiện có 7 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận. Sau khi được công nhận, các điểm du lịch đã được tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội…

Để phát huy hiệu quả của các điểm du lịch, chúng tôi đã chỉ đạo ban quản lý các điểm xây dựng kế hoạch, nội quy, quy chế hoạt động. Đồng thời, tổ chức truyền thông, phát hành các ấn phẩm tuyên truyền về văn hóa – du lịch của điểm và địa phương; liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh để đưa khách về các điểm. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Bắc Sơn đều tăng qua từng năm. Nếu như năm 2015, Bắc Sơn đón 13.500 lượt khách thì đến năm 2019, Bắc Sơn đã đón 130.000 lượt khách. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đón trên 48.000 lượt khách …

Bà Dương Thị Hồng Nhung, Tổ phó Tổ phụ trách Khu danh thắng Nhị – Tam Thanh, Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố Lạng Sơn: “Lượng khách tăng nhờ di tích được công nhận là điểm du lịch”.

Năm 2015, di tích Nhị – Tam Thanh được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch. So với năm 2015 trở về trước thì hiện nay, khu danh thắng Nhị – Tam Thanh như được khoác “tấm áo mới”, thay đổi rõ rệt về cảnh quan, chất lượng phục vụ… Theo đó, khu danh thắng  đã được UBND thành phố quan tâm chỉnh trang, đầu tư, tôn tạo nhiều hạng mục như: lát đá sân chùa, lắp đặt hệ thống bảng chữ tên di tích, bảng chỉ dẫn tham quan. Giai đoạn 2015-2019, trung bình mỗi năm, di tích đón 150.000 lượt khách (tăng  trên 30% so với giai đoạn 2010 – 2014)…

 Để tạo ấn tượng đẹp đối với du khách, chúng tôi thường xuyên dọn dẹp, tạo mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ khách tham quan. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về giá trị di tích đến người dân và du khách thập phương.

TUYẾT MAI - HOÀNG HIẾU