Thứ sáu,  20/09/2024

Đưa dân ca Xứ Lạng trở thành “đặc sản” của du lịch

– Từ xưa tới nay, những làn điệu dân ca truyền thống là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn. Hiện nay, những làn điệu ấy đang dần trở thành “đặc sản” du lịch, góp phần tạo nên sức hút cho du lịch Xứ Lạng đối với du khách trong và ngoài nước.

Đầu tháng 11/2021, trong khuôn khổ “Festival ẩm thực Xứ Lạng năm 2021”, UBND thành phố Lạng Sơn tổ chức hoạt động trải nghiệm “Lạng Sơn đêm huyền bí” tại động Nhị Thanh. Chương trình đã để lại ấn tượng rất sâu sắc với nhiều du khách. Chị Vũ Thị Thủy, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: Được nghe hát then ngay trong danh thắng Nhị Thanh khiến tôi rất bất ngờ. Các hoạt động trình diễn được tổ chức ngay trong động với ánh sáng lung linh, huyền ảo rất hay và độc đáo. Tôi đã trải nghiệm nhiều nơi rồi nhưng vẫn ấn tượng nhất với Lạng Sơn. Hy vọng lần sau đến Lạng Sơn tôi sẽ tiếp tục được trải nghiệm hoạt động ý nghĩa này”.

Các nghệ nhân người Tày, Nùng, Dao biểu diễn các làn điệu dân ca truyền thống và mời du khách trải nghiệm rượu Mẫu Sơn tại Liên hoan Du lịch Mẫu Sơn năm 2019

Được biết, hoạt động biểu diễn dân ca tại các điểm du lịch đã được cơ quan chức năng của thành phố thực hiện trong khoảng 5 năm, gần đây nhất là trình diễn dân ca tại không gian phố đi bộ Kỳ Lừa vào các tối thứ 6, thứ 7 hằng tuần…

 Cùng với thành phố Lạng Sơn, thời gian qua, cơ quan chức năng các huyện trên địa bàn tỉnh cũng rất tích cực, chủ động trong hoạt động đưa dân ca trở thành sản phẩm du lịch. Cụ thể, dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn (then, sli, lượn, páo dung của người Tày, Nùng, Dao…) thường được biểu diễn tại các điểm du lịch tại các xã Hữu Liên, Yên Thịnh (Hữu Lũng), Mông Ân, Thiện Hòa (Bình Gia), Vũ Lăng, Chiến Thắng, Bắc Quỳnh (Bắc Sơn), làng du lịch văn hóa thôn Pò Kít, xã Khuất Xá (Lộc Bình); điểm du lịch Thác Xăng, Thác Mây (Văn Lãng)… để biểu diễn phục vụ du khách. Được biết, khoảng 70% du khách đến các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đều yêu cầu trải nghiệm nghe hát dân ca.

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Chúng tôi xác định, để bảo tồn di sản văn hóa, trong đó có các làn điệu dân ca, trước tiên cần thực hiện bảo tồn từ yếu tố con người – chủ thể của di sản. Do đó, từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, sở tổ chức từ 2 đến 5 lớp truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc cho người dân thuộc nhiều lứa tuổi tại cơ sở. Đồng thời, hỗ trợ nhạc cụ và một số trang phục biểu diễn cho người dân. Các lớp truyền dạy đa phần gắn với các điểm du lịch trong tỉnh. Đặc biệt, hiện nay, chúng tôi đã và đang thực hiện nghiên cứu, sưu tầm nhiều làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống để từ đó tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ du khách.

Cùng với truyền dạy, từ năm 2016 đến nay, ngành VHTTDL thường xuyên tạo ra không gian văn hóa giúp cho các loại hình dân ca được bảo lưu và phát huy thông qua các sự kiện như tại các lễ hội: đền Kỳ Cùng – Tả Phủ, Bủng Kham, hội Háng Pỉnh (Hội Bánh nướng) tại thành phố Lạng Sơn; Tuần Văn hóa – Du lịch, Lễ hội Hoa Đào; Liên hoan du lịch Mẫu Sơn…

Các nghệ nhân người Dao biểu diễn thổi kèn pí lè tại Liên hoan Du lịch Mẫu Sơn năm 2019

Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được trên 50 CLB dân ca truyền thống, thu hút gần 1.000 hội viên tham gia. Các hội viên này đã trở thành những hạt nhân nòng cốt phát huy tốt giá trị các làn điệu dân ca địa phương, để phục vụ du khách. Nhờ đó, các làn điệu dân ca của Lạng Sơn bước đầu đã trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch đặc sắc.

Bà Dương Thị Ngọc Ngà, Chủ nhiệm Đội hát Then du lịch cộng đồng xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn cho biết: Thành lập từ năm 2012, đội văn nghệ hiện có 15 thành viên. Đội biểu diễn phục vụ du khách các làn điệu của người Tày như: hát ví, then, lượn. Thời điểm chưa có dịch bệnh, chúng tôi phục vụ du khách từ 10 đến 15 buổi/tháng với mức phí là 1 triệu đồng/buổi. Nguồn kinh phí đã giúp chúng tôi trang trải hoạt động và truyền dạy dân ca miễn phí cho khoảng 30 em nhỏ trong xã ở độ tuổi từ 8 đến15”.

Có thể thấy, khi đã thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, các CLB, đội dân ca có điều kiện nâng cao cả trang thiết bị và trình độ nghệ thuật biểu diễn. Quan trọng hơn là khi dân ca đã trở thành sản phẩm đặc trưng của du lịch, chúng ta đã đưa dân ca vào cuộc sống một cách sinh động, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.

TUYẾT MAI