Thứ năm,  19/09/2024

Phát huy tiềm năng, giá trị di sản địa chất Xứ Lạng

– Những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trong đó có di sản địa chất đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, Ban quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập với những hoạt động thiết thực trong quản lý, bảo tồn, khai thác, qua đó, giá trị các di sản địa chất Xứ Lạng đã từng bước được phát huy.

PGS.TS.Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Địa chất – Khoáng sản, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tiềm năng di sản địa chất ở Lạng Sơn khá phong phú, thể hiện qua hệ thống các hang động rất nhiều và đồ sộ, độ dài lớn, trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều dạng, hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn. Hệ thống các trũng hoặc thung lũng giữa núi, tạo nên các hồ nước tự nhiên ở lưng chừng núi. Đặc điểm này khá khác biệt so với các cảnh quan karst (hay còn gọi là Các – xtơ: là hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) ở tỉnh Cao Bằng hay Đồng Văn, tỉnh Hà Giang…

Đoàn học viên lớp nâng cao kiến thức tiếng Anh chuyên ngành Công viên địa chất Lạng Sơn thực hiện các dự án cộng đồng tại xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng

Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng có hệ sinh thái đặc biệt trên núi đá vôi mà điển hình là ở Khu dự trữ thiên nhiên Hữu Liên (nằm trên địa bàn một số xã thuộc 3 huyện: Hữu Lũng; Văn Quan; Chi Lăng) đã ghi nhận được 794 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 162 họ, với 31 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam… Đáng chú ý, một số đại diện tiêu biểu của đa dạng sinh học Lạng Sơn ngày nay đã trở nên nổi tiếng như hoa hồi (diện tích hồi trên địa bàn tỉnh khoảng 34.825 ha, sản lượng trên 15.000 tấn/năm, sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn được coi là tài sản quốc gia)…

Với định hướng phát triển bền vững di sản địa chất, ngày 8/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2386 phê duyệt Đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025” (gọi tắt là Đề án); ngày 13/12/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 2424 về việc thành lập Công viên địa chất Lạng Sơn.

Để triển khai tốt các nhóm nhiệm vụ trong đề án, ngày 22/12/2021, UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn – đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). Sau khi thành lập, ban đã bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh để triển khai các hoạt động, trong đó tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và triển khai chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về di sản địa chất và Công viên địa chất Lạng Sơn.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn cho biết: Để thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ của đề án, ban đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân bằng nhiều giải pháp như: tổ chức hội nghị tuyên truyền, hội thảo, tập huấn, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về di sản địa chất, Công viên địa chất Lạng Sơn…

Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn phối hợp tổ chức trên 50 hội thảo, diễn đàn, buổi làm việc trực tuyến tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản địa chất, tiêu biểu như các hội thảo trực tuyến dành cho học sinh trên địa bàn 5 huyện trong vùng Công viên địa chất… Đồng thời thành lập các trang mạng xã hội như: YouTube, Zalo, Fanpage Facebook quảng bá Công viên địa chất Lạng Sơn; tổ chức 3 lớp tập huấn kiến thức tiếng Anh chuyên ngành, bồi dưỡng kiến thức về di sản địa chất, Công viên địa chất dành cho các cán bộ công chức các sở, ban, ngành, các trường học với trên 300 người tham gia.

Bà Đinh Thị Thao, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chi Lăng cho biết: Từ năm 2021 đến nay, UBND các xã, thị trấn ở huyện đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở được 50 lượt; đăng tải được 30 tin, bài trên trang thông tin điện tử các xã, thị trấn. Các đơn vị trường học đã biên soạn được 5 nội dung tài liệu truyên truyền, sưu tầm 4 video clip về Công viên địa chất Lạng Sơn; tổ chức tuyên truyền được 15 lượt qua loa truyền thanh của nhà trường với 10.184 lượt giáo viên, học sinh tiếp cận thông tin. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị di sản địa chất.

Đáng chú ý, từ tháng 6/2022, Sở VHTT&DL đã phát động Cuộc thi “Tìm hiểu về di sản địa chất, Công viên địa chất Lạng Sơn” năm 2022. Đến cuối tháng 10/2022, ban tổ chức cuộc thi nhận được 61 bài dự thi với sự thể hiện đa dạng trên nhiều thể loại như: thơ, vè, văn học nghệ thuật, tranh vẽ, báo tường, bài thuyết minh, video clip giới thiệu về giá trị di sản, danh lam thắng cảnh vùng Công viên địa chất Lạng Sơn. Sau khi chấm sơ khảo, Ban Giám khảo đã lựa chọn 19 bài dự thi xuất sắc nhất để dự thi chung kết.

Đáng chú ý, ngày 14/10/2022, Ban Chỉ đạo xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia tư vấn xây dựng và phát triển Lạng Sơn do ông Guy Martini, Tiến sĩ địa chất, chuyên gia tư vấn cao cấp quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) làm trưởng đoàn. Thông qua buổi làm việc, các đại biểu đã làm rõ một số giá trị địa chất trên địa bàn các huyện trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn và đề xuất định hướng, biện pháp để phát triển. Sau buổi làm việc, Sở VHTT&DL đã tiếp thu ý kiến của đoàn chuyên gia, hoàn thiện báo cáo gửi UBND tỉnh và tờ trình xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mở rộng phạm vi, ranh giới của Công viên địa chất Lạng Sơn.

Mặc dù là tỉnh đi sau trong việc xây dựng công viên địa chất nhưng Lạng Sơn có lợi thế là học hỏi được những bài học từ các địa phương đã đi trước. Đó là vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn giá trị di sản, bảo tồn cảnh quan. Thời gian tới, Ban chỉ đạo xây dựng công viên địa chất của tỉnh tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: kết nối, trao đổi và hợp tác với cộng tác viên nhằm đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền, quảng bá về Công viên địa chất Lạng Sơn; nghiên cứu phương án xây dựng Trung tâm thông tin, không gian trưng bày thông tin Công viên địa chất Lạng Sơn trên địa bàn thành phố và các huyện trong vùng Công viên địa chất…

Tin tưởng và hy vọng rằng với những cách làm hiệu quả và thiết thực trên đây, Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ từng bước khẳng định được giá trị của di sản địa chất Xứ Lạng và hiện thực hoá mục tiêu được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu theo đúng lộ trình đề ra.

Ông Guy Martini, Tiến sĩ địa chất, chuyên gia tư vấn cấp cao quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

“Tôi đánh giá cao các dự án khai thác, bảo tồn di sản địa chất, di sản văn hóa, giáo dục cộng đồng trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn. Về mặt giá trị di sản (bao gồm: di sản địa chất, tự nhiên, văn hóa, phi vật thể), Lạng Sơn có đầy đủ tiềm năng để phát triển đề án Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Hiện nay tại Việt Nam có 3 công viên địa chất toàn cầu đã được UNESCO công nhận tại Hà Giang, Cao Bằng và Đắk Nông. Việc Lạng Sơn xây dựng Công viên địa chất sau các tỉnh Hà Giang và Cao Bằng ngay trong vùng Đông Bắc nên để được UNESCO công nhận cũng gặp khó khăn hơn. Do đó, tỉnh cần chú trọng khảo sát, tìm ra những giá trị địa chất, giá trị khảo cổ, giá trị văn hóa có sự khác biệt so với các công viên địa chất hiện có. Điển hình như những giá trị địa chất tầm cỡ quốc tế được tìm thấy tại mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình hay các giá trị khảo cổ được phát hiện tại hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, huyện Bình Gia.

Cùng với đó, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn cũng cần tiếp tục tìm hiểu, khảo sát thêm các giá trị lịch sử khảo cổ, các trầm tích hóa thạch có giá trị niên đại lịch sử khảo cổ nổi bật. Để phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn, tỉnh cần tiếp tục xem xét, điều chỉnh, mở rộng phạm vi sang địa bàn huyện Lộc Bình để phát huy những giá trị khảo cổ tại vùng địa chất mỏ than Na Dương. Qua khảo sát chúng tôi đã chỉ rõ 15 điểm có triển vọng để phát triển Công viên địa chất toàn cầu. Ngoài 15 điểm này, Ban Quản lý công viên địa chất Lạng Sơn cần tiếp tục tìm kiếm mở rộng thêm hơn 30 điểm nữa để đáp ứng tiêu chí của UNESCO trong xây dựng Công viên địa chất toàn cầu, đồng thời đầu tư xây dựng cơ cở hạ tầng như: bãi đỗ xe, hệ thống bảng, biển chỉ dẫn tại các điểm…”

NGỌC HIẾU - TUYẾT MAI