Quê em ở tỉnh Hà Đông, ở huyện Chương Mỹ, ở làng quốc gia/Làng em hai quán, một đình, hai chùa, một miếu tung tình nghỉ ngơi/ Chùa trên có một cái nôi, chùa dưới sư cụ trồng đôi cây hồng/ Đầu làng có một cây thông, trong làng có 99 cái giếng nước trong chảy vào/ Làng em trăm tám cái ao, ao thì thả cá, hồ thì thả sen… Đó là những câu thơ chúng tôi được các cụ cao niên đọc cho nghe khi tìm về làng Yên Trường vào một chiều trung tuần tháng 9. Những vần thơ ấy đã giúp chúng tôi hiểu thêm về ngôi làng đặc biệt giữa miền quê Chương Mỹ.

Ngôi làng độc đáo có 99 giếng cổ
Đình làng Yên Trường vẫn giữ được vẻ cổ kính. 

Trước đây, tại đình làng Yên Trường, vào ngày 16-8-1945, lực lượng Việt Minh làng Yên Trường đã tổ chức mít tinh giành chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện Chương Mỹ. Đầu năm 1946, đây cũng là nơi tổ chức bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khóa I của địa phương. Sau đó, đình là trụ sở của ủy ban hành chính kháng chiến và là nơi trú quân, luyện tập của bộ đội địa phương trong kháng chiến chống Pháp. Đình làng Yên Trường là một địa điểm mang dấu ấn về lịch sử văn hóa, tọa lạc ở bãi đất cao, nhìn xuống ao lớn, bên kia là một gò đồi thấp.

Cùng với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình thì giếng làng là một điểm đặc biệt khiến bất cứ ai đặt chân đến làng Yên Trường đều bị thu hút bởi sự mộc mạc mà ấn tượng. Không biết từ bao giờ, những chiếc giếng có hình thù kỳ lạ xuất hiện rải rác ở hầu hết các xóm trong làng. Theo truyền thuyết, những chiếc giếng này là do 99 vết chân ngựa của Thánh Gióng tạo thành khi đi ngang qua đây.

Ngôi làng độc đáo có 99 giếng cổ
Các giếng có đường kính từ 2 – 4 mét và độ sâu khoảng 7 – 8 mét.
Ngôi làng độc đáo có 99 giếng cổ
Hình thù kỳ lạ của một lòng giếng, giống với vó ngựa.
Ngôi làng độc đáo có 99 giếng cổ
Đều là giếng thiên tạo song phần miệng giếng đã được người dân xây tròn bằng gạch đá ong. 

Lý giải về những chiếc giếng cổ, cụ Trần Thị Liên (84 tuổi), một cao niên trong làng cho hay: “Từ xa xưa, khi tôi được sinh ra thì những chiếc giếng này đã có rồi, hoàn toàn do thiên tạo, không ai đào cả. Sự xuất hiện của những chiếc giếng cổ được tương truyền là do vó ngựa của Thánh Gióng đi qua mà thành”.

Không giống với các loại giếng thông thường khác, giếng cổ nơi đây có hình thù kỳ lạ, được cấu tạo theo dạng vòm bằng những khối đá ong sần sùi hàng trăm năm tuổi. Giếng không chỉ đặc biệt ở hình dáng mà còn có phần cổ kính vì xung quanh mọc nhiều cây dại bám sâu xuống tận lòng giếng.

Đối với người dân nơi đây, giếng cổ không chỉ đơn thuần là nơi để mọi người lấy nước sinh hoạt hằng ngày mà còn là những ký ức, kỷ niệm, là nơi tâm tình, hò hẹn của biết bao thế hệ.

Ngôi làng độc đáo có 99 giếng cổ
Ngôi làng độc đáo có 99 giếng cổ
Với những chiếc giếng lớn, ngoài việc xây thành cao bằng đá, người dân còn quây thêm rào sắt, lợp mái che, giữ giếng sạch sẽ.
Ngôi làng độc đáo có 99 giếng cổ
Giếng là nơi bao ký ức, kỷ niệm ùa về với người dân Yên Trường. Ảnh NGUYỄN CƯỜNG 

Ông Nguyễn Gia Lạc (79 tuổi) tâm sự: “Trước kia, mỗi lần đi làm đồng về, chúng tôi lại ngồi nghỉ bên gốc cây đa, kéo nước giếng uống cho lại sức. Nước giếng trong, có vị ngọt mát. Mặc dù hiện nay đã có nước máy, nhưng giếng cổ vẫn đóng vai trò quan trọng không thể thiếu”.

Ông Lạc kể thêm rằng, ông có một người bạn lấy được vợ nhờ cái giếng này. Hồi đó bạn của ông thường ra giếng lấy nước gánh về nhà rồi trò chuyện với một cô trong xóm ra giếng rửa rau. Sau này, hai người nên duyên vợ chồng. “Tôi vẫn thường nói đùa rằng nhờ cái giếng họ mới lấy được nhau”, ông Lạc vừa cười, vừa nói.

Theo tìm hiểu thông tin từ người dân địa phương, hiện nay làng Yên Trường chỉ còn lại 7 giếng. Những chiếc giếng khác đã bị lấp đi do nhu cầu làm nhà ở, làm đường của người dân. Bên mỗi giếng nước đều có cây cổ thụ soi bóng mát và một ban thờ nhỏ.

Ngôi làng độc đáo có 99 giếng cổ
 Với nét đẹp cổ xưa, làng Yên Trường đã thu hút nhiều du khách đến tham quan chụp ảnh. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Bên cạnh những chiếc giếng, sự cổ kính của ngôi làng Yên Trường còn thể hiện qua những bức tường đá ong. Giữa thời xi măng hóa nhà cửa thì Yên Trường vẫn hiện diện những ngôi nhà đá ong cũ kỹ, rêu phong. Những mảng màu trên bức tường đá ong vốn sậm màu như sáp mật đã phong hóa chỗ vàng, chỗ đen, chỗ chấm màu xanh rêu như một bức họa trừu tượng.

So với “Tứ cựu danh thôn” (Đường Lâm, Cự Đà, Cựu Lễ, Ước Lễ), Yên Trường có phần nhỏ bé hơn nhưng vẫn giữ trong mình vẻ đẹp làng quê yên bình đến nao lòng, khiến bất kỳ ai đến đây hoặc nhìn qua hình ảnh cũng cảm thấy xao xuyến. Đây là một địa điểm du lịch thú vị, hấp dẫn, đáng trải nghiệm cho những du khách khi đặt chân về miền quê Chương Mỹ.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/ngoi-lang-doc-dao-co-99-gieng-co-742845