Thứ sáu,  20/09/2024

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hồi để mở rộng thị trường

(LSO) – Để vươn ra, mở rộng thị trường trên thế giới, sản phẩm hồi phải vượt qua được những “rào cản kỹ thuật” khắt khe của các thị trường “khó tính”. Chính vì vậy, là huyện có diện tích hồi lớn nhất trong tỉnh,  Văn Quan đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hồi, trong đó chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ.

Toàn huyện Văn Quan có trên 14.000 ha hồi, trong đó, có hơn 10.000 ha đang cho thu hoạch, sản lượng trung bình 20.000 tấn/năm. Trước đây sản phẩm hồi chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Năm 2015, Lạng Sơn hoàn tất chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm hồi, nên những năm gần đây hồi sấy khô và tinh dầu hồi bắt đầu xuất sang một số nước trong khu vực ASEAN và các nước: Ấn Độ, Hà Lan, Nhật Bản… Để để tiếp tục mở rộng thị trường, vào được những thị trường khó tính, sản phẩm hồi phải rõ nguồn gốc xuất xứ, màu sắc hoàn toàn tự nhiên, chất lượng đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của từng nước. Chính vì vậy, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hồi được huyện Văn Quan xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

Người dân huyện Văn Quan cung cấp hồi tươi cho cơ sở chế biến xuất khẩu

Để làm được điều này, huyện Văn Quan hướng dẫn nông dân canh tác theo hướng hữu cơ. Anh La Mạnh Hùng, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Canh tác theo quy trình hữu cơ là để cây phát triển thuận theo tự nhiên. Người canh tác không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng mà sử dụng phân bón hữu cơ, phân xanh, phòng chống sâu bệnh bằng các biện pháp sinh học như: bẫy bả, thu hút côn trùng, tỉa cành, đốn lá… và một số bước như: ghi chép, theo dõi, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, quan trắc môi trường đất, nước, không khí…

Huyện Văn Quan bắt đầu triển khai cải tạo rừng hồi theo hướng hữu cơ từ năm 2018 với diện tích hơn 300 ha, đến năm 2019 đã có 85 ha tại xã Vân Mộng được cấp giấy chứng nhận. Hiện huyện đang tiếp tục nhân rộng trên diện tích gần 600 ha tập trung tại các xã: Tân Đoàn, Yên Phúc, Xuân Mai, Vân Mộng. Để bà con hiểu và thực hiện đúng quy trình, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các công ty thu mua sản phẩm hồi trên địa bàn tỉnh tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức sản xuất theo hướng hữu cơ cho nông dân. Theo đó, bà con được hướng dẫn phương pháp nhân giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bảo quản. Mỗi vườn hồi đều có biển chỉ dẫn, phát dọn sạch sẽ, các gốc hồi được đánh số, các thông tin về quy trình chăm sóc, năng suất được nông dân ghi chép cụ thể…

Các hộ tham gia sản xuất được lựa chọn trên cơ sở ưu tiên hộ trồng hồi có hoàn cảnh khó khăn. Bà Nguyễn Thị Trường, Bí thư Đảng ủy xã Yên Phúc, huyện Văn Quan cho biết: Toàn xã hiện đang triển khai cải tạo rừng hồi theo hướng hữu cơ trên diện tích 140 ha với 133 hộ tham gia. Các hộ tham gia được chúng tôi lựa chọn là các hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Những hộ này được hỗ trợ phân bón, chi phí cải tạo rừng hồi… Cùng với đó, xã còn có 249 hộ tự nguyện cải tạo rừng hồi, sản xuất theo hướng hữu cơ.

Nhận thức được tầm quan trọng của hướng sản xuất hữu cơ nông dân trên địa bàn huyện tích cực cải tạo rừng trồng tạo điều kiện cho cây hồi phát triển. Tiêu chuẩn trong chế biến để xuất sang các thị trường khó tính là quả hồi không được chạm đất, chế biến trong ngày, không dùng than củi để sấy. Đáp ứng tiêu chuẩn này ông Đinh Xuân Bé, xã Tân Đoàn đã mạnh dạn xây dựng cơ sở chế biến hồi. Theo đó, hồi ngay sau khi thu hái được đưa vào sấy khô trong ngày bằng lò điện hơi, quả hồi phải to, đều. Bằng cách làm này, sản phẩm đảm bảo yêu cầu khắt khe của thị trường Châu Âu và Nhật Bản.

Ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: Chúng tôi đang phấn đấu đến năm 2020 nâng diện tích thâm canh cải tạo rừng hồi lên 1.600 ha. Đến năm 2025, nâng diện tích thâm canh, cải tạo và có giấy chứng nhận hồi hữu cơ lên trên 5.000 ha. Hiện, chúng tôi đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu hồi tại xã Yên Phúc. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến nhằm giới thiệu sản phẩm đến bạn bè quốc tế. Đây là bước đệm để tiến tới tổ chức lễ hội hồi trong năm 2020.

Tuy mới triển khai các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng song giá trị sản phẩm hồi đã tăng khá cao. Năm 2019, giá hồi khô đạt 130.000 – đến 140/000/kg, hồi tươi 23.000 – 24.000 đồng/kg gấp đôi giá thu mua năm 2018. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hồi không chỉ khẳng định danh tiếng của sản phẩm hồi trên thị trường mà còn giúp nông dân nâng cao thu nhập, gắn bó lâu dài với loại cây này.

THỤC QUYÊN