Thứ sáu,  20/09/2024

Cần bảo tồn giống lê chát đặc sản

(LSO) – Nếu như quả lê thông thường chỉ có vị ngọt thì giống lê chát không chỉ có vị ngọt thanh, thơm đặc trưng, mọng nước mà còn có vị chát. Với người dân Xứ Lạng, lê chát là một loại đặc sản được ưa chuộng. Tuy nhiên giống lê này đang dần biến mất.

Mặc dù đang là thời điểm chính vụ và lê chát có giá 40.000 – 50.000 đồng/kg  – cao gấp 3, 4 lần lê thường song không phải lúc nào cũng có. Tại một số chợ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn như: Giếng Vuông, Bờ sông… khi khách hỏi mua lê chát, các tiểu thương đều “lắc đầu” bởi đây là hàng hiếm, muốn mua phải đặt trước.

Bà Hà Thị Minh, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nhà tôi rất thích ăn lê chát nên năm nào cũng tìm mua. Tuy nhiên, gần đây loại quả này rất hiếm. Hỏi người bán thì họ nói giống lê này đang bị thoái hóa nên không có nhiều.

Lê chát hay còn gọi là lê cuống ngắn được trồng tại một số xã trên địa bàn huyện Cao Lộc như: Thanh Lòa, Hòa Cư, Hải Yến, Lộc Yên, Phú Xá… Theo người dân, trước đây, giống lê chát được trồng đại trà song những năm gần đây sản lượng và diện tích bị thu hẹp. Hiện mỗi hộ gia đình chỉ còn 1 đến 2 cây lê chát để phục vụ nhu cầu gia đình. Nguyên nhân giống lê chát vắng mặt trên thị trường là do sau nhiều năm giống cây này bị thoái hóa, cây giống này lại không có sẵn trên thị trường, nếu muốn nhân rộng diện tích bà con phải tự gây giống.

Chị Hứa Thị Bích, bản Rọ, xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc cho biết: Trong bản, lê cuống dài thì có nhiều, nhưng cuống ngắn thì chỉ còn nhà tôi và cũng có mỗi một cây. Gần đây, thấy nhu cầu về loại quả này tăng, tôi cũng ra các cửa hàng cung cấp giống cây trồng tìm mua cây con nhưng họ chỉ có giống lê ngọt. Chính vì vậy, tôi đã tự gây giống. Tuy nhiên tỷ lệ thành công rất thấp, ghép 10 cây mới được 1 – 2 cây.

Người dân xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc thu hoạch lê chát

Anh Nông Văn Thịnh, thôn Còn Ngòa, xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc cho biết: Bạn bè ngoài thành phố biết nhà tôi có cây lê chát nên năm nào cũng dặn để phần làm quà cho khách các tỉnh. Lê chát có hương vị đặc trưng chát, ngọt, thơm, quả lại to, có quả nặng từ 1 đến 1,2 kg nên khách mua rất thích, chính vì vậy, không mấy khi tôi phải mang ra chợ bán. Chủ yếu khách đến lấy tận nhà.

Cây lê chát thường bị sâu đục thân, cây già cỗi dễ gẫy cành. Hiện nay, để bảo tồn giống lê chát người dân địa phương chọn cách ghép mắt lê chát với cây lê dại trên rừng. Đến nay, cách làm này được cho là hiệu quả nhất song tỷ lệ cây sống đạt thấp.

Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Tổng diện tích cây lê trên địa bàn huyện khoảng 8 ha, trong đó, số cây thuộc giống lê chát còn rất ít. Chúng tôi đang rà soát, nghiên cứu để tìm hướng khôi phục giống cây này nhằm bảo tồn nguồn gen. Từ đó, hướng đến khôi phục loại quả đặc sản của huyện Cao Lộc.

Lê chát là một trong những loại quả đặc sản của huyện Cao Lộc nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Hương vị đặc biệt của loại quả này tạo được ấn tượng mạnh với người tiêu dùng nhất là du khách ngoại tỉnh và quốc tế. Thiết nghĩ, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh cần có giải pháp bảo tồn giống lê chát đồng thời xây dựng các vườn chuyên canh cây trồng này. Như vậy, không chỉ bảo tồn được loại quả đặc sản mà còn giúp nông dân tăng thu nhập.

HOÀNG VƯƠNG