Thứ sáu,  20/09/2024

Khoa học công nghệ: Góp phần thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp

(LSO) – Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà nông dân trên địa bàn tỉnh đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất, chủ động chọn giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, cải tiến quy trình sản xuất giúp nâng cao năng suất, tăng giá trị kinh tế, giảm công lao động…

Với nhiều hộ sản xuất na trên địa bàn huyện Chi Lăng, sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP là khái niệm còn rất mới mẻ. Khi mới được tuyên truyền, hướng dẫn, hầu hết các hộ đều cảm thấy khó thực hiện. Thế nhưng, năm 2017, nhóm 8 hộ nông dân tại thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã đăng ký thực hiện sản xuất na theo tiêu chuẩn Global GAP.

Ông Vi Ngọc Lưu, thôn Quán Thanh cho biết: Lúc đầu tìm hiểu thấy các thông tin tưởng như khó thực hiện, nhưng được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp cầm tay chỉ việc đến nay việc thực hành nông nghiệp tốt với chúng tôi đã trở thành nếp. Tại huyện Chi Lăng, trước đây nông dân chỉ sản xuất na theo kinh nghiệm dân gian, đến nay đã có hơn 150 ha sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt (Viet GAP và Global GAP).

Nông dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng dùng bẫy bả sinh học để diệt ruồi vàng hại quả na

Năm 2009, kỹ thuật gieo xạ  lần đầu tiên được triển khai tại huyện Lộc Bình, tuy nhiên không có hộ nào tham gia làm mẫu. Khi đó, ông Tô Chí, Chủ tịch UBND xã Tú Đoạn tiên phong áp dụng kỹ thuật này vào thửa ruộng của gia đình. Lúc đầu, mạ chỉ mọc lác đác khiến chủ hộ lo lắng. Sau một thời gian gieo xạ, cây lúa không chỉ phát triển tốt, năng suất tăng 10% mà còn rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 10 đến 15 ngày, giảm 50% công lao động so với phương pháp cấy thông thường. Đến nay, tại những chân ruộng chủ động được nguồn nước nông dân trên địa bàn huyện Lộc Bình đều tiến hành gieo xạ.

Ông Lý Quang Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi rất nhiều tập quán sản xuất của nông dân trên địa bàn huyện. Bà con đã chủ động chọn giống cây, con có giá trị kinh tế cao, quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch có nhiều cải tiến. Cụ thể như: chọn thời điểm phù hợp để bón phân giúp tiết kiệm phân bón; ứng dụng quy trình cải tạo đất, chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng củ khoai lang; đưa giống mới vào sản xuất, làm đất tối thiểu trong quy trình trồng khoai tây; đưa giống Nhật kinh tế cao vào sản xuất…

Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Vừa qua, phòng tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 25 loại quả trên địa bàn. Để được công nhận nông dân phải tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch theo quy định. Triển khai dự án, bà con đã thực hiện rất tốt. Đặc biệt, bà con không làm theo phong trào, mà tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng diện tích thâm canh quả sạch theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (Viet GAP). Chính vì vậy, nông dân không phải chịu cảnh được mùa mất giá. Cùng đó, có đến 75% hộ chăn nuôi theo hướng hàng hóa chủ động ký cam kết với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chăm sóc vật nuôi theo hướng an toàn.

Từ năm 2016 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã  triển khai thực hiện 71 đề tài, dự án khoa học, trong đó, lĩnh vực  nông nghiệp có 36 đề tài. Các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được ứng dụng vào sản xuất giống và kỹ thuật canh tác nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với cây trồng, vật nuôi. Cùng đó, đã xây dựng được 50 mô hình thí điểm để nhân rộng vào thực tế. Việc thay đổi tập quán sản xuất có thể kể đến như: phủ ni lông, tưới nhỏ giọt, thay giống ngô, lúa năng suất thấp bằng các giống có chất lượng cao, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa như quýt Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, na Chi Lăng…

Với địa phương mà người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp như Lạng Sơn, khoa học công nghệ là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, góp phần thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục phố biến tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm giúp nông dân trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản hơn nữa.

THỤC QUYÊN