Thứ sáu,  20/09/2024

Cần chủ động trong quản lý và phát triển nhãn hiệu cộng đồng

(LSO) – Việc phát triển nhãn hiệu cộng đồng không mang lại hiệu quả kinh tế ngay nhưng mang lại lợi ích lâu dài, bền vững cho người dân vùng đặc sản, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, cần chú trọng công tác quản lý, phát triển sau xây dựng.

Những năm gần đây, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã làm tốt việc đăng ký sở hữu trí tuệ đối với một số sản phẩm dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ đẫn địa lý (gọi chung là nhãn hiệu cộng đồng). Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có 23 sản phẩm nông sản được bảo hộ.

Việc xây dựng và công nhận nhãn hiệu cộng đồng cho các sản phẩm chủ lực của địa phương giúp người tiêu dùng nhận biết đặc tính cụ thể mà sản phẩm mang lại, góp phần xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Đối với doanh nghiệp, nhãn hiệu cộng đồng hỗ trợ đắc lực trong việc quảng bá sản phẩm; tăng uy tín của nhà sản xuất; giúp phân biệt sản phẩm hàng hóa của đơn vị, doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh…

Nông dân huyện Hữu Lũng chăm sóc mít Thái

Thực tế cho thấy, sau khi được công nhận nhãn hiệu cộng đồng các sản phẩm nông sản như: hoa hồi, na Chi Lăng, quýt vàng Bắc Sơn, khoai lang Lộc Bình… tăng về giá trị thương mại. Điển hình như hoa hồi, nếu như trước đây, người trồng hồi trên địa bàn tỉnh chủ yếu bán cho thương lái phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, tình trạng được mùa mất giá thường xuyên diễn ra. Năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hoa hồi tỉnh Lạng Sơn. Từ đó đến nay, Trung Quốc không còn là thị trường duy nhất, sản phẩm hoa hồi được xuất khẩu sang một số nước châu Âu. Tại huyện Văn Quan, những rừng hồi hữu cơ đang được mở rộng diện tích để xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu… với giá lên đến 100.000 đồng/kg quả tươi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít sản phẩm chưa phát huy được hết tiềm năng sau khi được bảo hộ như: hồng Bảo Lâm, rượu Mẫu Sơn… nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Bà Vy Thị Thúy, Chuyên viên Phòng Quản lý công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Nguyên nhân khiến nhiều nhãn hiệu cộng đồng chưa phát huy được hết tiềm năng là do chủ sở hữu chưa thực sự phát huy được vai trò trong kiểm soát, quản lý và sử dụng tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đã được bảo hộ. Trong quá trình đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu cộng đồng, việc thành lập các tổ chức tập thể là quy định bắt buộc và tổ chức này có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì chất lượng và phát triển danh tiếng, uy tín của sản phẩm được bảo hộ. Tuy nhiên, trên thực tế vai trò của các tổ chức này còn mờ nhạt chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Đây chính là hạn chế lớn nhất trong khai thác, phát huy tài sản trí tuệ đã được bảo hộ.

Song song với đó, một phần nguyên nhân cũng là do nhận thức của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn về bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ còn hạn chế. Thông thường các sản phẩm được bảo hộ chưa mang lại hiệu quả kinh tế ngay mà đòi hỏi cần tiếp tục được đầu tư về kinh phí và thời gian nhất định. Cũng phải nói rằng, trên địa bàn tỉnh việc sản xuất các sản phẩm chủ yếu theo hình thức đơn lẻ, manh mún, tự phát. Tại những vùng sản xuất tập trung, người dân chưa hình thành thói quen tuân thủ quy trình chăm sóc, bảo quản nhằm đảm bảo sự đồng đều về chất lượng sản phẩm. Năng lực, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Sự liên kết giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng các sản phẩm phát triển một cách tự phát, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm…

Theo bà Vy Thị Thúy, để quản lý, phát triển, khai thác hiệu quả giá trị nhãn hiệu cộng đồng, các cơ quan liên quan nên tập trung vào các giải pháp như: xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hợp lý nhằm xây dựng vùng sản xuất hàng hóa có thương hiệu đáp ứng nhu cầu của thị trường, hướng đến thị trường nước ngoài; đẩy mạnh liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm; nâng cao vai trò của các tổ chức, tập thể trong việc tập hợp, giám sát chất lượng sản phẩm; các cấp chính quyền cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân lựa chọn, giữ gìn và phát triển sản phẩm truyền thống. Chủ sở hữu nhãn hiệu cộng đồng cần quản lý tốt đối tượng thông qua quy chế sử dụng, quy chế quản lý, đặc biệt, xử lý nghiêm những sai phạm làm ảnh hưởng đến danh tiếng của sản phẩm.

Thời gian qua, công tác đăng ký các nhãn hiệu cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm song nếu chỉ dừng lại ở đây mà không chú trọng công tác quản lý, phát triển nhãn hiệu thì sản phẩm đặc sản của tỉnh Lạng Sơn sẽ thua ngay trên sân nhà. Việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị các sản phẩm cần có sự phối hợp, tham gia tích cực của các cấp, các ngành liên quan, nâng cao vai trò của doanh nghiệp, người dân vùng đặc sản và có lộ trình phù hợp cho sản phẩm phát triển bền vững.

HOÀNG VƯƠNG