Thứ sáu,  20/09/2024
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020:

Nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản

LSO- Nhờ quan tâm thực hiện công tác phát triển tài sản trí tuệ nên giai đoạn 2016 – 2020, nhiều loại nông sản, đặc sản, sản phẩm hàng hóa tại Lạng Sơn đã được nâng cao giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.


Nông dân xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia chăm sóc thanh long

Hiệu quả của việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) có thể kể đến là sản phẩm Na Chi Lăng. Sau khi được công nhận nhãn hiệu chứng nhận năm 2011, các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm được đẩy mạnh, thị trường được mở rộng, giá thành tăng dần qua từng năm. Năm 2011, toàn huyện có 1.168 ha na thì đến năn 2020 tăng lên 1.860 ha, sản lượng tăng từ hơn 7.600 tấn lên 16.000 tấn, giá thành tăng từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng/kg lên 20.000 đồng đến 70.000 đồng/kg. Cây na đã thực sự giúp nông dân huyện Chi Lăng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Không riêng quả na, rất nhiều sản phẩm khác như: ngựa bạch Hữu Kiên, rượu Hữu Lễ, rau thành phố Lạng Sơn, chanh rừng Mẫu Sơn, hồng Vành khuyên… sau khi xác lập quyền SHTT đều được chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng, trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương…

Ông Lưu Bá Mạc, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết: Có được những kết quả trên, công tác tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ xác lập tài sản trí tuệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan liên quan chú trọng thực hiện. Giai đoạn 2016 – 2020, sở đã xuất bản bản tin thông tin KHCN với 8.400 cuốn phát hành tới 100% xã, phường, thị trấn và các cơ quan chuyên môn của tỉnh; hướng dẫn các thủ tục về đăng ký SHTT trên trang thông tin điện tử của sở; xây dựng 350 chuyên trang, chuyên mục trên Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh…

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 19 nông sản, đặc sản được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ (vượt 120% kế hoạch), trong đó 15 sản phẩm thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ, 4 sản phẩm được thực hiện từ các chương trình khác. Cùng đó, trên địa bàn tỉnh đã có 315 hồ sơ đăng ký sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp (vượt 192% kế hoạch), trong đó: 7 hồ sơ đăng ký sáng chế, 292 hồ sơ yêu cầu đăng ký nhãn hiệu, 16 hồ sơ yêu cầu đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị liên quan như Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố đã đẩy mạnh phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Trong đó, Cục Quản lý thị trường đã cấp phát trên 23.000 tờ rơi có nội dung về SHTT, tuyên truyền trực tiếp thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát cho trên 73.000 lượt người…. UBND các huyện, thành phố đăng tải gần 100 tin bài về SHTT trên trang thông tin điện tử; tổ chức hơn 200 lớp tập huấn cho trên 10.000 lượt người.

Để phát triển tài sản trí tuệ, Sở KHCN đã chủ động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thành phố, gia đình, doanh nghiệp hồ sơ, thủ tục trình Cục SHTT công nhận. Trong quá trình xác lập quyền SHTT các sản phẩm đều được hỗ trợ cơ chế quản lý, xây dựng tài liệu kỹ thuật sản xuất nhằm duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, cấp phát tem nhãn, bao gói sản phẩm cho các hợp tác xã sản xuất, tổ chức, cá nhân thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP.

Nhằm hỗ trợ các chủ thể phát triển tài sản trí tuệ, các cơ quan quản lý Nhà nước đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 50 hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Chị Bế Thị Lan Anh, chủ cơ sở sản xuất bún ngô Thuận Anh, xã Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại,  tôi có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng cũng như với các nhà bán lẻ, nhà đầu tư. Vì vậy, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng cả ở trong và ngoài tỉnh.

Việc xác lập tài sản trí tuệ là nhu cầu tất yếu khi mà các hoạt động giao thương ngày càng phát triển cả trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, các tổ chức, cá nhân cần ý thức rõ về vấn đề này, từ đó, chủ động xác lập quyền SHTT và phát triển tài sản trí tuệ nhằm mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững.

HOÀNG VƯƠNG