Thứ sáu,  20/09/2024

Nghiên cứu về dinh dưỡng, dược học: Góp phần nâng cao giá trị cây mác mật

– Mác mật là cây trồng quen thuộc được người dân tỉnh Lạng Sơn sử dụng làm gia vị cho nhiều món ăn. Bên cạnh tác dụng làm tăng hương vị trong ẩm thực, cây mác mật còn nhiều công dụng khác trong điều trị bệnh. Thời gian qua đã có đề tài nghiên cứu những công dụng của mác mật nhằm góp phần làm tăng giá trị của cây trồng này. 

Lạng Sơn có diện tích trồng cây mác mật tương đối lớn với sản lượng cao nhưng những năm qua, cây trồng này chưa được quan tâm nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng, dược học cũng như phát triển thêm nhiều sản phẩm hữu ích. Chính vì vậy, từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2021, nhóm nghiên cứu do Phó giáo sư, Tiến sỹ Dương Nghĩa Bang, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên làm trưởng nhóm đã triển khai đề tài nghiên cứu giá trị dinh dưỡng, dược học của cây mác mật và sản xuất một số sản phẩm từ cây mác mật tỉnh Lạng Sơn.

Nguời dân thành phố Lạng Sơn hái lá mác mật để chế biến món ăn

Triển khai đề tài, nhóm đã tiến hành nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng của quả, hạt, lá, vỏ, rễ mác mác mật. Kết quả cho thấy: quả mác mật có hàm mượng vitamin C dồi dào; lá chứa hàm lượng protein, sắt, mangan, can xi rất cao. Lá có tác dụng lợi mật, kích thích tiêu hóa, bảo vệ gan; tinh dầu có tác dụng giảm đau…

Phó giáo sư, Tiến sỹ Dương Nghĩa Bang cho biết: Qua nghiên cứu cho thấy, cặn chiết từ các bộ phận của cây mác mật có khả năng gây độc với nhiều dòng tế bào ung thư thử nghiệm như tế bào: KB, MCF7, Hep – G2, Lu. Những kết quả nghiên cứu này cho phép phát triển dược liệu từ cây mác mật trong điều trị các bệnh về gan, chống ung thư, viêm nấm, ô xi hóa, khuẩn, nấm. Với những đặc tính đáng quý trên thì có thể tiếp tục nghiên cứu tìm các hoạt chất có hoạt tính của cây mác mật; sản xuất cao chiết, tinh dầu ở quy mô lớn…

Cùng với đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra 4 quy trình gồm: quy trình sản xuất tinh dầu lá mác mật với quy mô 50 kg/mẻ (có thể đưa vào sản xuất đại trà); quy trình ủ men và chưng cất rượu mác mật quy mô 50 kg/mẻ (có thể sản xuất thử nghiệm); quy trình sản xuất cao chiết lá mác mật; quy trình bào chế viên nang bảo vệ gan từ cây mác mật.

Từ các quy trình trên, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thành công một số sản phẩm cụ thể từ cây mác mật như: sản xuất  được 100 lít rượu mác mật, 1,5 lít tinh dầu mác mật, viên nang bảo vệ gan từ cây mác mật. Trong đó, rượu mác mật được ủ từ gạo và quả mác mật khô sau đó mang đi chưng cất. Sản phẩm cho ra rượu có hương thơm mác mật. Cao chiết lá mác mật không gây độc tính cấp, độc tính trên chuột với liều dùng 500 mg/kg và 1.500 mg/kg thể trọng trong thời gian dùng liên tục 28 ngày.

Tiến sỹ Lưu Bá Mạc, Trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Diện tích trồng cây mác mật trên địa bàn tỉnh  tương đối lớn song giá trị của nó lại chưa được khai thác triệt để. Đề tài nghiên cứu này có giá trị trong việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng thành quả nghiên cứu khoa học rất cao. Sau khi được nghiệm thu và công bố rộng rãi, đề tài giúp các tổ chức, cá nhân biết thêm nhiều công dụng của cây mác mật. Từ đó, tập trung chăm sóc, phát triển những giá trị mà nó mang lại. Đề tài cũng là cơ sở để các tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả nghiên cứu vào việc bào chế, sản xuất dược liệu và các sản phẩm mang tính hàng hóa liên quan đến cây mác mật.

Lâu nay, người dân trên địa bàn tỉnh chỉ sử dụng lá, quả mác mật như một loại gia vị. Việc biết thêm về giá trị dược liệu cũng như quy trình sản xuất rượu, tinh dầu, cao chiết từ cây mác mật sẽ mở ra hướng phát triển mới từ loại cây trồng này. Với những giá trị thiết thực của đề tài, tháng 11/2021, Hội đồng khoa học tỉnh đã tiến hành nghiệm thu đề tài.

Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 350 ha cây mác mật với sản lượng hằng năm trên 5.000 tấn quả tươi. Cây mác mật được trồng tập trung tại các huyện: Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan, Chi Lăng, Cao Lộc. Trong đó, huyện Bình Gia có 19 xã, thị trấn trồng với diện tích hơn 140 ha, sản lượng khoảng 3.500 tấn quả/năm.

HOÀNG VƯƠNG