Thứ sáu,  20/09/2024

Hướng mới trong nghiên cứu thuốc điều trị ung thư

– Vừa qua, nhóm nghiên cứu  của Trường THPT Chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn) đã tổng hợp thành công phức chất của một số kim loại nhóm B như Cu(II), Cd(II), Zn(II) và thí nghiệm thành công hoạt tính kháng với một số dòng tế bào ung thư. Đây là cơ sở quan trọng mở ra hướng mới trong việc nghiên cứu điều chế thuốc điều trị ung thư

Cho đến nay, đã có 3 thế hệ thuốc chữa ung thư có chứa phức chất Pt(II) được sử dụng rộng rãi là Cisplatin, Oxaliplatin, Cacboplatin. Tuy nhiên, các loại dược phẩm này có một số tác dụng phụ như: gây tổn thương gan, thận, độc thần kinh, rụng tóc, dị ứng, đặc biệt là kháng thuốc. Phức chất của Pt(II) vẫn sử dụng hiện nay là một kim loại quý hiếm có giá thành cao. Gần đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra phức chất của các kim loại khác cũng có hoạt tính kháng tế bào ung thư tốt và giá thành thấp hơn. Nghiên cứu tổng hợp phức chất của một số kim loại nhóm B như Cu(II), Zn(II), Cd(II) với phối tử kết hợp giữa quinoline- benzothiazole sẽ tạo ra các phức chất mới có hoạt tính kháng tế bào ung thư và giá thành thấp hơn. Chính vì vậy, năm học 2020 – 2021, nhóm nghiên cứu của Trường THPT Chuyên Chu Văn An gồm: cô giáo Lê Thúy Hằng và em Nguyễn Hoàng Anh, học sinh lớp 11C1, em Đinh Trí Đức, học sinh lớp 11A năm học 2020 – 2021 đã triển khai nghiên cứu đề tài “Tổng hợp phức chất của một số kim loại nhóm B với phối tử loại Quinoline- benzothiazole và thăm dò hoạt tính kháng tế bào ung thư”.

Thành viên nhóm nghiên cứu thực hiện các thí nghiệm

Cô giáo Lê Thúy Hằng, giáo viên môn Hóa học Trường THPT Chuyên Chu Văn An cho biết: Sau khi tiến hành tổng hợp phối tử, tổng hợp phức chất nhóm đã tổng hợp thành công 3 phức chất của Cu(II), Cd(II), Zn(II) với phối tử chứa cả hai hợp phần 8-hydroxyquinoline và benzothiazole. Cùng đó, chúng tôi đã sử dụng phương pháp đo phổ tán xạ năng lượng tia X, phổ khối lượng, phổ hấp thụ hồng ngoại, phổ cộng hưởng từ hạt nhân để xác định công thức phân tử, công thức cấu tạo của 3 phức chất.

Sau khi tổng hợp và xác định được công thức phân tử, công thức cấu tạo của phối tử và các phức chất, nhóm nghiên cứu tiến hành thử hoạt tính kháng 4 dòng tế bào ung thư gồm: tế bào ung thư biểu mô (KB); tế bào ung thư phổi (Lu); tế bào ung thư gan (Hep-G2) và tế bào ung thư vú (MCF-7). Kết quả cho thấy, cả 3 phức chất được thử là CuQNS1, CdQNS1 và ZnQNS1 đều có hoạt tính kháng cả 4 dòng tế bào ung thư biểu mô, ung thư phổi, ung thư gan và ung thư vú. Trong đó, phức chất CuQNS1 thể hiện hoạt tính rất tốt đối với tế bào ung thư biểu mô và ung thư phổi. Phức chất CdQNS1 có hoạt tính mạnh đối với tế bào ung thư gan và tế bào ung thư vú. Còn phức chất ZnQNS1 có hoạt tính trung bình với cả 4 dòng tế bào được thử.

Em Nguyễn Hoàng Anh, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Quá trình nghiên cứu chúng em gặp những khó khăn như tài liệu về đề tài không có nhiều, chúng em phải liên hệ nhiều nơi để tìm hiểu. Cùng đó, các thí nghiệm đều thực hiện tại các viện nghiên cứu như: Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nên có nhiều hạn chế do phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian. Với quyết tâm nghiên cứu, chúng em đã khắc phục khó khăn đưa sản phẩm tham gia cuộc thi đúng thời gian quy định.

Tiến sỹ Lưu Bá Mạc, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ), Thư ký khoa học Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn năm 2021 cho biết: Việc tổng hợp thành công phức chất của một số kim loại nhóm B với phối tử loại Quinoline- benzothiazole cũng như tác động của chúng trong việc kháng tế bào ung thư rất có ý nghĩa về mặt khoa học, đây là cơ sở dữ liệu thực tiễn cho những nghiên cứu sâu hơn, hướng tới ứng dụng trong bào chế thuốc phục vụ cho công tác điều trị bệnh ung thư. Đặc biệt, việc tìm ra phức chất của Cu(II), Cd(II), Zn(II) cũng có hoạt tính kháng tế bào ung thư sẽ giúp cho việc điều chế thuốc điều trị ung thư có giá thành thấp hơn so với hiện tại. Từ đó, làm giảm áp lực về chi phí trong điều trị cho người bệnh.

Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm lần thứ 16 (2020 – 2021), đề tài “Tổng hợp phức chất của một số kim loại nhóm B với phối tử loại Quinoline- benzothiazole và thăm dò hoạt tính kháng tế bào ung thư” được Ban Tổ chức trao giải khuyến khích. Những năm gần đây, ung thư là nhóm bệnh gây tử vong hàng đầu, tạo gánh nặng về kinh tế, xã hội, việc tìm ra các chất có khả năng điều trị ung thư với giá thành thấp có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu các loại thuốc mới phục vụ nhu cầu điều trị bệnh của người dân.

HOÀNG VƯƠNG