Thứ sáu,  20/09/2024

Cần nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen mận cơm

– Quả mận cơm có hương thơm độc đáo, lúc xanh quả rất giòn, vị chua nhưng không gắt, khi chín mọng nước, vị chua ngọt nhưng không mất đi độ giòn. Ngoài ăn tươi, mận cơm có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như: mận ướp, nước giải khát, ô mai, mứt… Loại mận này không chỉ được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng mà còn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, giống mận này đang đứng trước nguy cơ thoái hóa cần có các biện pháp bảo tồn, phát triển nguồn gen.

Gia đình ông Trần Văn Chớ, thôn Chè Lân, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc có hơn 300 gốc mận cơm, trong đó hơn 100 gốc già trên 8 năm, còn lại là 2 đến 3 năm. Ông cho biết: Cây mận cơm sau khi trồng khoảng 3 năm là bắt đầu bói quả, thời gian cho quả đến 20 năm. Tuy nhiên gần đây, sâu bệnh xuất hiện nhiều nên thời gian khai thác chỉ hơn 10 năm. Muốn duy trì vườn mận thì chỉ còn cách phải phá bỏ cây già cỗi để trồng thay thế cây mới.

Người dân xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc chăm sóc cây mận cơm

Không riêng vườn mận của gia đình ông Chớ, trên địa bàn tỉnh, nhiều vườn mận cũng có tình trạng tương tự. Mận cơm là cây bản địa được người dân trên địa bàn tỉnh canh tác từ lâu đời. Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 1.400 ha diện tích trồng mận, trong đó chủ yếu là cây mận cơm, với hơn 1.000 ha đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng 4.200 tấn/năm. Mận cơm có năng suất cao hơn các loại mận khác, trung bình từ 38 đến 40 tạ/ha, được trồng tập trung tại các huyện: Cao Lộc, Văn Lãng, Văn Quan… Đặc biệt, mùa thu hoạch của giống mận cơm từ tháng 4 đến tháng 5, sớm hơn 1 tháng so với những những giống mận khác nên giá bán cao, được khách tham quan, du lịch ưa chuộng. Với giá thu mua tại vườn từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 100.000 đồng/kg, nhiều hộ trồng mận cơm có thu nhập từ 30 đến 60 triệu đồng/vụ.

Thực tế sản xuất cho thấy, đa số các hộ trồng nậm cơm trên địa bàn tỉnh đều chăm sóc theo phương pháp truyền thống, không có quy trình cụ thể, chưa chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao khả năng sinh trưởng, phát triển cũng như nâng cao sức đề kháng với các loại sâu bệnh. Các kỹ thuật trong canh tác như: cắt tỉa, sử dụng phân bón, bổ sung chất điều tiết sinh trưởng, bổ sung phân vi lượng, phòng trừ dịch hại tổng hợp… chưa được nông dân chú trọng.

Sau nhiều năm trồng, giống mận cơm trên địa bàn tỉnh đã có biểu hiện già cỗi, cây còi cọc, năng suất thấp, chất lượng suy giảm (quả nhỏ, mẫu mã xấu, chua nhiều). Những năm gần đây, cây mận cơm tại một số vườn trồng xuất hiện nhiều loại sâu hại gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng như: nhện, rệp hại mận, sâu đục ngọn… khiến lá non bị biến dạng quăn queo, héo ngọn, rụng quả hàng loạt. Các loại bệnh hại như: phấn trắng, chảy gôm, thủng lá, sẹo đen quả… do các loại nấm, vi khuẩn gây ra cũng ảnh hưởng đáng kể đến năng suất, chất lượng mận cơm. Cho đến nay, các đề tài nghiên cứu về cây mận cơm trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, chưa được cập nhật. Do đó cần có sự đầu tư nghiên cứu.

Ông Nông Văn Dũng, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc đã tích cực hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc mận cơm cho bà con. Tuy nhiên, tình trạng thoái hóa vẫn diễn ra tại nhiều vườn mận cơm trên địa bàn. Nhất là từ năm 2021 trở lại đây, mận cơm khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến giá thu mua thấp khiến nông dân càng ít quan tâm chăm sóc cây mận.

Trước thực trạng nguồn gen mận cơm đang có nguy cơ thoái hóa, muốn duy trì, khai thác hiệu quả và bền vững thì cần tuyển chọn những cây đầu dòng, sạch bệnh nhằm cung cấp vật liệu tốt nhất để nhân giống phục vụ sản xuất. Cũng cần nghiên cứu các biện pháp tăng năng suất, chất lượng, từ đó đưa ra quy trình thâm canh cây mận cơm phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Lạng Sơn. Cùng đó là xây dựng các mô hình bảo tồn và phát triển cây mận cơm nhằm từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tạo nguồn nguyên liệu phong phú phục vụ chế biến và xuất khẩu.

THỤC QUYÊN