Thứ sáu,  20/09/2024

Xác lập quyền Sở hữu trí tuệ: Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm địa phương

– Những năm qua, việc xác lập quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã và đang được UBND tỉnh, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm của tỉnh.

Hiệu quả của việc xác lập quyền SHTT thể hiện ở nhiều khía cạnh, dễ thấy nhất là thị trường tiêu thụ được mở rộng, chất lượng sản phẩm được nâng lên, từ đó tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại, tạo ra nhiều việc làm và mang lại thu nhập đáng kể cho chủ sở hữu.

Sản phẩm vịt quay Lạng Sơn được nâng cao giá trị trên thị trường nhờ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận

Ngày 31/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định phê duyệt Đề án Triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh và giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì. Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Những năm gần đây, lĩnh vực SHTT được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được triển khai để nghiên cứu về một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: quýt, quế, hồi, mác mật, mật ong Vân Thủy, trám đen Văn Quan, thạch đen Tràng Định, na Chi Lăng… Kết quả từ những đề tài nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng tạo tiền đề và luận cứ khoa học để phục vụ công tác xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) trên địa bàn tỉnh.

Triển khai đề án, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức rà soát những sản phẩm đặc trưng tại các huyện, thành phố có tiềm năng phát triển, mở rộng để đưa vào kế hoạch phát triển TSTT. Cùng đó, tiến hành tuyển chọn các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực triển khai các dự án xác lập quyền SHTT và phát triển TSTT. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa trong quá trình xác lập quyền SHTT, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ chủ thể của các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý về thiết kế bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ chế quản lý nhãn hiệu, tài liệu kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, trưng bày nhằm quảng bá sản phẩm, từ đó từng bước mở rộng các kênh tiêu thụ, kết nối thương mại.

 Nhờ đó, nhiều sản phẩm của tỉnh không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn mà hướng đến các thị trường trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Tiêu biểu như hoa hồi và tinh dầu hồi. Năm 2007, Chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn được bảo hộ và trở thành tài sản quốc gia. Năm 2020, Chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn tiếp tục được công nhận và bảo hộ tại Liên minh châu Âu (EU). Thực tế cho thấy, từ khi Chỉ dẫn địa lý Hoa hồi Lạng Sơn được bảo hộ tại EU, thị trường hoa hồi của tỉnh có nhiều khởi sắc, khẳng định uy tín ở thị trường trong nước và quốc tế. Nếu như trước đây, người trồng hồi thường chịu cảnh được mùa mất giá, giá mỗi kilogram hồi khô chỉ vài chục nghìn đồng thì năm 2022, giá hồi khô được duy trì ổn định ở mức 150.000 đến 250.000 đồng/kg. Trước đây, người ta chỉ biết hồi được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc tân dược, thực phẩm, song đến nay, nhiều nước trên thế giới đã đưa nguyên liệu này vào sản xuất bánh kẹo, rượu, nước hoa, mỹ phẩm… Chính vì vậy, cánh cửa mở ra cho sản phẩm hồi Lạng Sơn là rất lớn.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, đến năm 2022, toàn tỉnh có hơn 500 nhãn hiệu được xác lập quyền SHTT. Trong đó, 22 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; 2 chỉ dẫn địa lý; 477 nhãn hiệu thông thường; 1 giải pháp hữu ích; 34 kiểu dáng công nghiệp; 1 giống cây thạch đen được cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng. Bên cạch đó, 2 dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu sau bảo hộ đối với sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn và hồng Vành khuyên Văn Lãng cũng đang được thực hiện.

Anh Vũ Huy Tùng, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng cho biết: Nấu rượu thủ công truyền thống là nghề gia truyền của gia đình tôi. Nhận thấy để nâng cao giá trị của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thì cần phải xây dựng thương hiệu riêng. Chính vì vậy, năm 2018, gia đình tôi đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu và tham gia chương trình OCOP (chương trình  mỗi xã một sản phẩm). Đến nay, sản phẩm rượu men lá Mỏ Heo đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Hiện mỗi tháng gia đình bán ra thị trường 3.000 lít rượu, tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc. Những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn như: thạch đen Tràng Định, lạp sườn Bình Gia; gà 6 ngón Mẫu Sơn, quýt vàng Bắc Sơn, quýt Tràng Định; khoai lang Lộc Bình; chanh rừng Mẫu Sơn; rượu Hội Hoan; ngựa bạch Hữu Kiên… trước đây chủ yếu chỉ tiêu thụ trong tỉnh thì đến nay đã được người tiêu dùng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước biết đến thông qua các hoạt động xây dựng, khai thác và phát triển TSTT, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân…

Hệ thống SHTT gồm: quyền tác giả, quyền liên quan đến tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, sáng chế kiểu dáng công nghiệp, mạch tích hợp bán dẫn, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu nổi tiếng, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, giống cây trồng…

HOÀNG VƯƠNG