Thứ sáu,  20/09/2024

Nghiên cứu giá trị dược liệu của lá bàng

– Lá bàng được biết đến với công dụng trị các bệnh ngoài da, tuy nhiên thành phần hóa học, hoạt tính sinh học ra sao thì chưa được biết đến. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu gồm giáo viên và học sinh Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn đã tiến hành khảo sát thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và điều chế thành phẩm chăm sóc sức khỏe từ lá bàng.

Trong dân gian, lá bàng được biết đến với công dụng chữa cảm sốt, tê thấp, giảm viêm nhiễm, giúp mau lành vết thương, đặc biệt người mắc bệnh viêm da cơ địa, ngứa ngáy, mẩn đỏ thường sử dụng lá bàng để điều trị.

Nhóm nghiên cứu tiến hành sơ chế lá bàng

Với đặc tính phân bố rộng, dễ trồng, phát triển mạnh, nhiều công dụng, cây bàng có thể trở thành nguồn dược liệu dồi dào, tiềm năng.

Mặc dù có nhiều công dụng nhưng ở nước ta hiện chưa có nhiều công trình khoa học mang tính hệ thống nghiên cứu về lá bàng. Chính vì vậy, trong năm 2022, nhóm nghiên cứu gồm: Nông Bảo Ngọc, lớp 12A3 và Nguyễn Thanh Thảo, lớp 11A2, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Đào Thị Bách Diệp, giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Việt Bắc đã thực hiện đề tài “Khảo sát thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và chế tạo thành phẩm bột tắm thảo dược từ lá bàng thu hái tại Lạng Sơn’’.

Cô giáo Đào Thị Bách Diệp cho biết: Để các nghiên cứu cho kết quả chính xác nhất thì chúng tôi cần những dụng cụ thí nghiệm chuyên dụng, phòng thí nghiệm vô trùng, đảm bảo các điều kiện để nuôi cấy mẫu vật… trong khi các phòng thí nghiệm trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu này, nhóm phải phối hợp với các viện nghiên cứu để tiến hành thí nghiệm. Cùng đó, các thành viên của nhóm cũng tìm hiểu nhiều tài liệu về y dược để có thêm các kiến thức phục vụ nghiên cứu.

Nhóm đã tiến hành thu hái lá bàng tươi tại sân Trường THPT Việt Bắc để nghiên cứu. Sau khi rửa sạch, lá bàng được sấy khô ở nhiệt độ thấp để diệt men mà không làm bay hơi tinh dầu. Lá bàng sau khi khô kiệt được đem nghiền bằng máy để thu lấy bột theo kích thước mong muốn. Một phần được đóng gói vào túi lọc để thuận tiện khi sử dụng, một phần được dùng để điều chế dịch chiết.

Bột lá bàng được ngâm chiết trong dung dịch ethanol để hòa tan các dược chất, sau đó lọc lấy dịch chiết, cô đuổi dung môi để thu được cao chiết. Sau khi thu được cao chiết, nhóm nghiên cứu tiến hành định tính một số nhóm chất trong lá bàng. Qua đó xác định, trong cao lá bàng có chứa flavonoid, saponin, alcaloid, tanin thủy phân… Đây là những chất có khả năng chống oxy hóa mạnh, kháng nấm, kháng viêm, kháng khối u…

Sau khi xác định các nhóm chất, nhóm nghiên cứu tiến hành thử hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, kháng viêm trong dịch chiết tươi và cao chiết từ lá bàng. Theo đó, các chủng nấm gây bệnh, tế bào RAW264.7 được nuôi cấy trên đĩa thạch tại phòng thí nghiệm thuộc khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên; Phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn Lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam. Kết quả cho thấy, cao chiết lá bàng có hoạt tính kháng khuẩn rất tốt trên các chủng nấm: Candida (Ca) (gây tổn thương bộ phận sinh dục, miệng, da và máu), Aspergillus flavus (Af) (gây bệnh nấm ở da và đầu), Aspergillus brasiliensis (Ab) (gây bệnh về niêm mạc phổi, bệnh về phổi). Đây là giá trị giải thích việc sử dụng lá bàng cho các bài thuốc kháng khuẩn trong y học dân tộc. Đối với khả năng kháng viêm và chống oxy hóa hoạt chất trong lá bàng có tác dụng tốt. Qua các thí nghiệm cho thấy, cao chiết lá bàng có hoạt tính kháng nấm, kháng viêm, chống oxy hóa cao hơn dịch chiết lá bàng tươi.

Em Nông Bảo Ngọc, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Sau khi nghiên cứu chúng em đã tiến hành điều chế cao lá bàng và bột lá bàng túi lọc nhằm tạo thành sản phẩm hàng hóa giúp người có nhu cầu bảo quản lâu dài và thuận lợi khi sử dụng, nhất là vào thời điểm mùa đông cây bàng thường rụng hết lá.

Đề tài đi sâu vào nghiên cứu các thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và so sánh giá trị của bột lá bàng, cao chiết lá bàng với các loại kháng sinh phổ thông trên thị trường. Qua đó, cung cấp thêm cơ sở khoa học cho các bài thuốc dân gian về loại cây này, góp phần vào việc khai thác, chế biến và ứng dụng các sản phẩm của cây bàng một cách có hiệu quả, khoa học hơn.

Với những giá trị mang lại từ các nghiên cứu của đề tài “Khảo sát thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và chế tạo thành phẩm bột tắm thảo dược từ lá bàng thu hái tại Lạng Sơn” đã đạt giải ba tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

THỤC QUYÊN