Thứ tư,  18/09/2024

Giải pháp giảm hội chứng rối loạn thách thức chống đối ở học sinh

– Học sinh “cá biệt” hay tranh cãi gay gắt với người lớn, cố tình gây mất trật tự trong lớp học, thường xuyên tức giận, cố ý không chấp hành quy định của trường, lớp… là biểu hiện của hội chứng rối loạn thách thức chống đối. Hội chứng này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập, rèn luyện của học sinh mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Để làm giảm hội chứng này, nhóm nghiên cứu của Trường THPT Việt Bắc (thành phố Lạng Sơn) đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hữu ích.

Thông thường biểu hiện bướng bỉnh, thù hằn, tức giận, mất bình tĩnh… chỉ xảy ra nhất thời nhưng nếu lặp lại và kéo dài thì có thể là biểu hiện của chứng rối loạn thách thức chống đối. Nhóm nghiên cứu do học sinh Nguyễn Ngọc Trà, Nguyễn Thị Hồng Mai, lớp 10A1, Trường THPT Việt Bắc đã tiến hành khảo sát trên hơn 1.000 học sinh tại các trường THPT trên địa bàn thành phố cho thấy có 14 trường hợp, chiếm 1,4% học sinh có biểu hiện rõ của hội chứng rối loạn thách thức chống đối. Từ thực tế này, trong thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 11/2022, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Vũ Thị Phương Hằng, nhóm nghiên cứu đã triển khai dự án “Một số giải pháp giảm hội chứng rối loạn thách thức chống đối ở học sinh THPT trên địa bàn thành phố Lạng Sơn”.

Nhóm nghiên cứu tại lễ trao giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh THPT năm học 2022 – 2023

Em Nguyễn Ngọc Trà, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Rối loạn thách thức chống đối gây ra những căn bệnh nguy hiểm về tâm lý học đường cũng như là thể xác như: rối loạn học tập (khó đọc, khó viết, khó tính toán); thường xuyên mệt mỏi; rối loạn giấc ngủ; nghiện trò chơi điện tử, internet, mạng xã hội; lo âu, trầm cảm, tự gây tổn thương, tự tử… Không những thế, rối loạn thách thức chống đối còn gây ảnh hưởng gián tiếp đến những người xung quanh như khiến cha mẹ buồn lòng, anh chị em, bạn bè xa lánh.

Sau khi nghiên cứu, chỉ rõ những biểu hiện, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp làm giảm hội chứng rối loạn thách thức chống đối ở học sinh. Trong đó, để học sinh nhận biết được biểu hiện của hội chứng này thì cần tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh cũng như những người liên quan thông qua các hoạt động của nhà trường, mạng xã hội; xây dựng môi trường giao tiếp văn minh, môi trường tranh luận khoa học tại gia đình, nhà trường. Sau khi nắm được kiến thức cần thiết, học sinh nhận thấy bản thân có những biểu hiện của hội chứng rối loạn thách thức chống đối, người mắc cần mở lòng, tâm sự với người thân về nỗi niềm của mình để có được sự cảm thông, hỗ trợ; cần có những cuộc trò chuyện để học sinh bày tỏ suy nghĩ của bản thân cũng như lắng nghe tâm sự của cha mẹ, từ đó cha mẹ và con hiểu nhau hơn, hạn chế xung đột giữa các thành viên trong gia đình. Các em cần học cách yêu thương bản thân hoặc gặp bác sĩ tâm lý, tìm người trị liệu phù hợp khi thấy bản thân không thể tự vượt qua hội chứng.

Với cha mẹ khi thấy con mắc phải hội chứng này thì điều cần thiết là quan tâm, xem xét lời nói, hành vi của con; thường xuyên lắng nghe để hiểu mong muốn, kịp thời khuyên bảo; động viên chia sẻ trong mọi hoàn cảnh dù con có thất bại hay thành công; chăm sóc con thường xuyên về cả mặt tinh thần và thể chất. Với người liên quan gián tiếp cần chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức để hỗ trợ người mắc hội chứng; tránh tạo áp lực, gây tổn thương đời sống tâm lý của học sinh, biết động viên, chia sẻ đúng lúc…

Cùng với đề xuất các giải pháp, nhóm nghiên cứu đã xây dựng 1 cuốn sổ tay cẩm nang có tiêu đề là “Thấu” (gồm 10 bản) nhằm giúp học sinh nhận định đúng các biểu hiện của hội chứng rối loạn thách thức chống đối cũng như cách để vượt qua hội chứng này với những thông tin dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. Ngoài ra nhóm còn thiết kế 17 mẫu móc treo chìa khóa, giấy đánh dấu trang sách, huy hiệu (với hơn 170 bản) nhằm đưa những thông điệp tích cực giúp học sinh có thái độ cởi mở, tích cực hơn trong đời sống và học tập.

Cô Vũ Thị Phương Hằng cho biết: Đề tài mới dừng lại ở việc chỉ ra biểu hiện và đề xuất giải pháp làm giảm hội chứng rối loạn thách thức chống đối ở học sinh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu cũng như có những đánh giá cụ thể về hiệu quả mà các giải pháp mang lại đối với học sinh trên địa bàn tỉnh.

Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh THPT năm học 2022 – 2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tháng 11/2022, dự án “Một số giải pháp giảm hội chứng rối loạn thách thức chống đối ở học sinh THPT trên địa bàn thành phố Lạng Sơn” đã xuất sắc đạt giải tư. Tin rằng nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ thiết thực cho học sinh có biểu hiện mắc hội chứng trên.

THỤC QUYÊN