Triển lãm mở cửa từ 9 giờ đến 21 giờ trong hai ngày 9 và 10-9 tại số 42/58 Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh. Tham gia sự kiện, khách tham quan sẽ được trải nghiệm ngắm nhìn hai loài vật Sao la và Cầy vằn (là những loài động vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ) bằng công nghệ thực tế ảo. Bên cạnh đó, người tham gia còn thể chung tay hồi phục không gian sống cho chúng bằng cách trực tiếp tô điểm màu xanh của khu rừng trong thế giới ảo, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng.

Triển lãm tranh thực tế ảo gây quỹ bảo tồn động vật quý hiếm

“Kiểm lâm viên” hướng dẫn khách tham quan sử dụng thiết bị thực tế ảo.

Triển lãm tranh thực tế ảo gây quỹ bảo tồn động vật quý hiếm
 Các bạn trẻ thích thú trải nghiệm thực tế ảo. 

Dự án cũng kêu gọi người tham dự đóng góp từ 20.000 – 100.000 đồng như một khoản phí mua vé vào cổng. Nguồn quỹ này sẽ được trao cho Dự án bảo tồn loài và sinh cảnh Vườn quốc gia Chư Yang Sin của WildAct  sau triển lãm. Các khoản thu  được công khai trên trang chính thức của Endangered sau khi kết thúc sự kiện.

Vào tháng 7 năm 2023, họa sĩ Đặng Thị Minh Hằng đã mang những ước mơ của mình đến tham gia cuộc thi NewView XR Lab và đã đạt được vị trí Top 3 tại khu vực Mekong. Thành công này đã đánh dấu sự ra đời của dự án Endangered – ứng dụng nghệ thuật XR dành cho việc bảo tồn thiên nhiên và các loài động vật hoang dã, được thành lập bởi XR Zoo.

XR (Extended Reality) nghĩa là thực tế mở rộng, là một thuật ngữ chung đề cập đến các công nghệ nhập vai (immersive) bao gồm thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) hay thực tế hỗn hợp (MR).

Triển lãm tranh thực tế ảo gây quỹ bảo tồn động vật quý hiếm
 Cầy vằn thực tế ảo. 

 

Triển lãm tranh thực tế ảo gây quỹ bảo tồn động vật quý hiếm
Khách tham quan có thể tạo nên những khu rừng trong thế giới ảo. 

Chia sẻ về lý do lựa chọn hình thức trình bày của triển lãm, chị Minh Hằng cho biết: “Công nghệ thực tế ảo cho phép chúng ta có thể điêu khắc, tạo hình, trưng bày và tương tác với các tác phẩm trong một không gian rộng lớn mà không làm tổn hại nhiều đến tài nguyên thiên nhiên. Điều này cho phép tôi vừa thỏa sức sáng tạo vừa hạn chế ảnh hưởng nhiều đến môi trường đúng với tinh thần của triển lãm”.

Bên cạnh đó, kỹ thuật này cũng giúp tác giả đặt các tác phẩm thực tế tăng cường (AR) của mình vào bất kỳ vị trí nào trong thế giới thật mà không gây ảnh hưởng hay làm xáo trộn đến môi trường sống thực tế. Người tham gia có thể trải nghiệm tính năng này ngay trên điện thoại của mình bằng cách quét mã QR được dán trên các sản phẩm trưng bày.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/trien-lam-tranh-thuc-te-ao-gay-quy-bao-ton-dong-vat-quy-hiem-742068