Phối hợp làm sạch dữ liệu khách hàng

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Lê Văn Tuyên cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ TT&TT để thực hiện kế hoạch phối hợp nhiều nội dung triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Ngân hàng nhà nước sẽ làm sạch dữ liệu khách hàng, có thông tin nhận biết khách hàng để góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo tùy thân để mở tài khoản thanh toán.

Việt Nam sẽ có các giải pháp để nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn

Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Lê Văn Tuyên phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Đức Huy 

Tính đến cuối tháng 8-2023 có 27 tổ chức tín dụng đã liên hệ làm việc với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của Bộ Công an để triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán, 42 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng CCCD gắn chip, 7 tổ chức tín dụng liên hệ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hộ để rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo giấy tờ.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán để các tổ chức tín dụng có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh, đồng thời nỗ lực truyền thông qua các chương trình, hội thảo, hội nghị, phối hợp với cơ quan báo chí để giúp người dân sử dụng dịch vụ thanh toán, tài khoản một cách an toàn, hiệu quả.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ TT&TT có phương án để hỗ trợ các ngân hàng làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin đăng ký tài khoản ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo di số điện thoại động.

“Vừa qua, Bộ TT&TT tăng cường xử lý SIM rác hiệu quả, qua đó đã giúp chủ tài khoản đăng ký SIM di động khớp đúng với tài khoản ngân hàng, làm giảm việc giả mạo giấy tờ, giả mạo tùy thân để mở tài khoản thanh toán”, ông Lê Văn Tuyên cho biết.

Việt Nam dần hình thành cộng đồng doanh nghiệp thiết kế vi mạch

Tại buổi họp báo, ong Nguyễn Thanh Tuyên, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho hay, hợp tác vi mạch bán dẫn là điểm nhấn trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Mỹ.

Theo đó, từ ngày 17-9-2023 đến ngày 23-9-2023, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công tác tại Mỹ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng một số tập đoàn công nghệ trong nước đã làm việc và ký các biên bản ghi nhớ hợp tác cùng với một số tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn như Synopsys, Marvell, Qualcomm,… nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.

Việt Nam sẽ có các giải pháp để nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn

Việt Nam dần hình thành cộng đồng doanh nghiệp thiết kế vi mạch, với hơn 30 doanh nghiệp và hơn 5.000 kỹ sư thiết kế. Ảnh minh họa

Đây đều là những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, nắm giữ những vị trí đặc biệt quan trọng, chủ chốt trong chuỗi bán dẫn toàn cầu.

Nội dung hợp tác tập trung vào các vấn đề như hỗ trợ xây dựng và thiết lập cơ sở nghiên cứu chất bán dẫn, giúp thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam nhanh và bền vững; tư vấn xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ thiết kế chip chủ chốt cho Việt Nam và hỗ trợ đào tạo cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế chip.

Các công ty Marvel, Qualcomm có kế hoạch tăng số lượng nhân sự, xây dựng các chương trình cấp học bổng cho sinh viên, tổ chức các lớp huấn luyện chuyên sâu, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Trên cơ sở đó, để tận dụng những kế hoạch hợp tác này, dự kiến chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn cần sự đầu tư của Chính phủ và có chính sách ưu đãi, giải pháp để hỗ trợ, đón đầu thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu và phát huy những kết quả của các hoạt động hợp tác.

Chia sẻ về nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết, Việt Nam có hệ thống đông đảo các trường đại học và trường nghề đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) với 168 đại học và 520 trường cao đẳng, trung cấp có đào tạo CNTT và điện tử viễn thông. Mỗi năm, các trường này tuyển sinh khoảng 76.000 sinh viên CNTT, điện tử viễn thông. Đây là ngành kỹ thuật có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh lớn nhất cả nước.

“Nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn của Việt Nam chủ yếu tập trung trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Hiện nay, Việt Nam đã dần hình thành cộng đồng doanh nghiệp thiết kế vi mạch, với hơn 30 doanh nghiệp và hơn 5.000 kỹ sư thiết kế, được đánh giá là một trong các cộng đồng lớn của khu vực”, ông Nguyễn Thanh Tuyên nói.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này như Viettel và FPT Semiconductor với khoảng 200 nhân viên. Còn lại, khoảng 50 công ty nước ngoài đến từ Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 5.000 kỹ sư, có thể đảm nhận công việc hầu hết các mảng trong khâu thiết kế. Trong đó, phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh (85%), sau đó là Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%). Ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết thêm, trong giai đoạn tới, chiến lược vi mạch bán dẫn sẽ đề ra các giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Nhiều hoạt động cho Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023

Chia sẻ tại buổi họp báo, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến cho biết, sợi chỉ đỏ xuyên suốt của chủ đề Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liêu số để tạo ra giá trị”. Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.

Trong tháng 10-2023, Bộ TT&TT triển khai “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số”. Đây là hoạt động thường niên bắt đầu từ năm 2022 nằm trong chuỗi hoạt động của Tháng hành động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10 hằng năm. “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số” là hoạt động hướng tới lợi ích của người dân. Người dân được thụ hưởng những kết quả thiết thực mà chuyển đổi số mang lại.

Việt Nam sẽ có các giải pháp để nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Đức Huy 

Doanh nghiệp (không giới hạn doanh nghiệp trong và ngoài nước) nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số; xây dựng nền tảng số phục vụ người dân; cung cấp sản phẩm, dịch vụ số phục vụ nhu cầu xã hội; có những chính sách ưu đãi thúc đẩy người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.

Tổ công nghệ số cộng đồng nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” kỹ năng sử dụng các dịch vụ trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro trên môi trường số.

Đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia cho biết, “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số” năm 2023 diễn ra từ ngày 1-10 đến 31-10-2023, cao điểm trong 10 ngày từ ngày 1-10 đến hết ngày 10-10-2023. Trong “Tháng 10. Tháng tiêu dùng số”, doanh nghiệp triển khai các chính sách ưu đãi tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số và đăng tải, thông báo công khai trên các trang, cổng thông tin điện tử, các ứng dụng (apps) của doanh nghiệp để người dân biết, sử dụng.

Bộ TT&TT tiếp tục nhận thông tin của các doanh nghiệp triển khai các chính sách ưu đãi tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ số năm 2023, đồng thời công khai, cập nhật thường xuyên danh sách chính sách ưu đãi tiêu dùng số của các doanh nghiệp gửi về tại Cổng thông tin điện tử Chuyển đổi số quốc gia https://dx.gov.vn và thông báo toàn dân.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/chuyen-doi-so/viet-nam-se-co-cac-giai-phap-de-nang-cao-so-luong-chat-luong-nguon-nhan-luc-vi-mach-ban-dan-746204