Tuy nhiên, do vẫn còn một số tổ chức, cá nhân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng sim thuê bao có thông tin chính xác, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về mua bán sim thuê bao (mua bán mà không thực hiện chuyển quyền, sang tên theo quy định), dẫn đến một số đối tượng đã lợi dụng công nghệ, trong đó có sử dụng sim có thông tin không chính danh, chính chủ để có các hành vi phạm pháp.

Gần 125 triệu sim di động có đầy đủ thông tin thuê bao
Ảnh minh họa/ Bộ TT&TT.

Trên cơ sở triển khai chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 1-6-2022 (Thông báo Kết luận số 174/TB-VPCP ngày 15-6-2022) về kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng sim rác…Bộ TT&TT đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai rà soát giữa cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm chính xác lại thông tin của chủ thuê bao, lấy thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân làm thông tin gốc bảo đảm hoàn thành trước ngày 30-9-2022.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng tiếp tục triển khai tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về các rủi ro cho bản thân và cho xã hội khi sử dụng sim đăng ký không đúng quy định, sim không chính chủ.

Năm 2019, Bộ TT&TT đã tổ chức thanh tra, xử phạt 3 doanh nghiệp (Viettel, VNPT, MobiFone) 309 triệu đồng do vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao. Năm 2020 đã xử phạt 4 doanh nghiệp (Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile) 360 triệu đồng. Các sở thông tin và truyền thông xử phạt 12 chi nhánh với tổng số tiền là 190,3 triệu đồng, xử phạt 21 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông với tổng số tiền là gần 227 triệu đồng.