Thứ hai,  08/07/2024

Văn Lãng: Tín hiệu vui từ chanh leo

(LSO) – Thành lập từ đầu năm 2017, 9 thành viên của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hòa Cường, xã Tân Việt, huyện Văn Lãng luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để phát triển kinh tế hiệu quả. Tháng 11/2017, từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện hỗ trợ 1 tỷ đồng, HTX đã triển khai mô hình trồng chanh leo trên đất đồi. Sau gần 1 năm triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Mô hình chanh leo của HTX Hòa Cường, xã Tân Việt bước đầu cho hiệu quả kinh tế

Những ngày đầu tháng 10/2018, chúng tôi có dịp về xã Tân Việt, hút vào mắt chúng tôi là khu đồi rộng hơn 6 ha trồng giống chanh leo tím Đài Loan hiện đang cho thu hoạch. Nhìn đồi chanh leo sai trĩu quả, ít ai biết được rằng, trước kia, đây chỉ là quả đồi cằn cỗi. Để có được sự đổi thay ấy là sự nỗ lực của những thành viên HTX nông nghiệp Hòa Cường.

Ông Nông Mạnh Cường, Giám đốc HTX cho biết: Trong quá trình thực hiện mô hình, HTX được sự quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn tận tình của huyện. Theo đó, các thành viên HTX được cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn từ trồng, chăm sóc đến làm giàn, thiết kế lô, đào hố, bón phân và thu hoạch. Hiện nay, vườn chanh leo phát triển tốt, sai quả, mẫu mã đẹp và cho thu hoạch những lứa đầu tiên. Đến nay, HTX đã thu hoạch được gần 20 tấn quả, với giá bán từ 15 – 35 nghìn đồng/kg. Doanh thu tính đến thời điểm này đạt khoảng 600 triệu đồng. Năm nay, sản lượng chanh leo của HTX ước đạt trên 30 tấn quả tươi.

Theo ông Cường, qua thực tế trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch cho thấy cây chanh leo rất dễ trồng, vốn đầu tư làm giàn ít và sử dụng được lâu dài, thời gian thu hoạch quả từ 2 đến 3 năm mới phải trồng lại (năm sau cây cho sản lượng cao hơn năm trước). Đối với cây chanh leo, yêu cầu người trồng phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện những cây chết và trồng bổ sung kịp thời. Đồng thời, thường xuyên làm sạch cỏ dưới giàn chanh leo và tưới nước cho cây, nhất là trong giai đoạn ra hoa và nuôi quả, nếu thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, một trong những yêu cầu quan trọng giúp cây chanh leo sinh trưởng và phát triển tốt, thu hoạch thuận lợi là kỹ thuật làm giàn, giá đỡ. Các trụ bê tông phải được bố trí với khoảng cách hợp lý để giữ và kết nối các dây đỡ mặt giàn, giàn đỡ có chiều cao gần 2 m, thuận tiện cho người trồng khi thu hái quả.

Qua thời gian triển khai, thực hiện mô hình trên địa bàn xã Tân Việt cho thấy cây chanh leo rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây trồng truyền thống. Đặc biệt là sản phẩm chanh leo thu hoạch đến đâu được xuất bán sang Trung Quốc hết đến đó với giá bán ổn định từ 15 – 35 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, mô hình không chỉ mang lại thu nhập cao cho xã viên HTX mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 – 20 lao động địa phương. Nhận thấy hiệu quả thiết thực từ mô hình, thời gian tới, HTX dự kiến mở rộng diện tích trồng thêm 10 ha.

Ông Hoàng Văn Piao, thôn Nà Cạn, xã Tân Việt cho biết: Trước đây, tôi chỉ ở nhà làm ruộng nên không có thu nhập ổn định, từ khi có HTX trồng chanh leo, tôi đã xin vào làm ở đây. Công việc chủ yếu là trồng cây, làm cỏ, tưới nước, bắc giàn, thu hoạch… nhờ đó, mỗi ngày, tôi có thêm thu nhập 200 nghìn đồng.

Ông Đinh Long Xuyên, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng cho biết: Mô hình trồng chanh leo của HTX Hòa Cường, xã Tân Việt đang sinh trưởng, phát triển tốt. Hiệu quả ban đầu của HTX góp phần nâng cao đời sống cho các thành viên HTX, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện.

KIM HUYÊN