Thứ hai,  08/07/2024

Xây dựng cầu dân sinh khu vực nông thôn: Khơi dậy sức dân

(LSO) – Kết thúc năm 2018, phong trào làm cầu dân sinh tiếp tục được người dân hưởng ứng bằng những hành động thiết thực như: đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng nghìn ngày công để làm mới các công trình. Nhờ đó, trong năm, hàng chục cầu dân sinh được xây dựng theo phương thức nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự làm đã hoàn thành đưa vào khai thác tại các xã vùng sâu, khó khăn, qua đó giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

Bình Gia là huyện đi đầu trong phong trào làm cầu dân sinh. Kết thúc năm 2018, toàn huyện đã cứng hóa được 23 cầu dân sinh bằng kết cấu đá xây và bê tông cốt thép có bề rộng mặt cầu từ 1,2 đến 2 m (năm 2018, toàn tỉnh làm mới 36 cầu dân sinh do dân tự làm, nhà nước hỗ trợ). Trong đó, có 9 cầu 2 nhịp và 14 cầu 1 nhịp với tổng chiều dài 214 m, tổng mức đầu tư các cầu là 700 triệu đồng, riêng nguồn lực từ nhân dân đối ứng là 316 triệu đồng, còn lại là nhà nước hỗ trợ xi măng, sắt thép.

Người dân xã Chi Lăng bảo dưỡng mố cầu dân sinh do nhân dân tự thi công

Ông Lý Văn Thình, Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung, huyện Bình Gia cho biết: Hiện tuyến đường trục chính chạy qua xã đang được đầu tư, tới đây hoàn thành điều kiện giao thông sẽ đi lại thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trước năm 2018, xã còn nhiều thôn bị chia cắt bởi những con suối, người dân đi lại bằng cầu tạm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó, thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn, các thôn bị chia cắt đều đồng thuận kiến nghị huyện hỗ trợ xi măng sắt thép, người dân sẽ tự góp tiền mua đá, cát và ngày công để làm cầu dân sinh. Nhờ vậy, trong năm 2018, từ nguồn hỗ trợ vật tư của huyện, xã đã cứng hóa được 2 cầu dân sinh qua suối với chiều dài 24 m, mặt cầu rộng 1,5 m, giúp cho 33 hộ dân thuộc 2 thôn thoát khỏi cảnh phải đi cầu tre mất an toàn giao thông.

Theo thống kê của UBND huyện Bình Gia, 23 cầu dân sinh được làm mới tại 9 xã trong năm 2018 đã giúp 230 hộ dân tại các thôn đi lại, sản xuất thuận lợi, an toàn trong 4 mùa. Bước sang năm 2019, các xã tiếp tục đăng ký với huyện để được hỗ trợ vật tư xây dựng cầu dân sinh. Riêng trong tháng 1/2019, huyện đã đồng ý hỗ trợ 12 tấn xi măng cho xã Quang Trung để cứng hóa 3 cầu dân sinh tại các thôn: Bản Quần, Nà Trang và Tình Cam, các cầu sẽ được khởi công trong dịp ra quân đầu xuân Kỷ Hợi 2019.

Một huyện khác cũng có phong trào làm cầu hiệu quả là huyện Chi Lăng, trong năm 2018, huyện đã hỗ trợ 3 xã: Mai Sao, Bắc Thủy và Chiến Thắng làm mới 4 cầu dân sinh với tổng chiều dài 54 m. Theo đó, để làm 4 cầu dân sinh, các thôn đã đóng góp 150 triệu đồng đối ứng mua vật tư làm cầu và huyện hỗ trợ dầm, xi măng trị giá hơn 900 triệu đồng cho các thôn làm cầu.

Qua thực tế cho thấy, nhu cầu cứng hóa các công trình cầu dân sinh tại các thôn trong toàn tỉnh là rất lớn và người dân đồng thuận cao trong việc làm cầu theo phương thức nhà nước hỗ trợ nhân dân tự làm. Nắm bắt được tinh thần và nhu cầu của bà con, hằng năm, các huyện ưu tiên bố trí nguồn lực nhất định để hỗ trợ bà con làm cầu. Đồng thời Sở Giao thông – Vận tải linh hoạt trong việc hỗ trợ các huyện để làm cầu như: hỗ trợ các địa phương các dầm thép cầu cũ, kêu gọi thêm để giúp các địa phương làm cầu.

Theo thống kê, kết thúc năm 2018, 6 huyện gồm: Bình Gia; Chi Lăng; Văn Quan; Tràng Định; Lộc Bình; Bắc Sơn đã làm mới được 36 cầu dân sinh với tổng mức đầu tư hơn 3,8 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp bằng tiền mặt 841 triệu đồng, còn lại là nguồn hỗ trợ của các huyện, Sở Giao thông – Vận tải và các nguồn xã hội hóa khác để làm cầu.

TRANG NINH