Thứ hai,  08/07/2024

Hữu Lũng chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi

LSO-Huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn là địa phương có nhiều hộ chăn nuôi lợn với tổng số hàng chục nghìn con. Do vậy, thời gian qua các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở nơi đây đã và đang triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn.


Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hữu Lũng kiểm tra thuốc
phun tiêu độc, khử trùng trước khi giao cho các xã sử dụng

Theo báo cáo mới nhất tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra ngày 4/3/2019 vừa qua tại Hà Nội, từ ngày 1/2 – 3/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương; tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Để chủ động phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày 4/3/2019, UBND huyện Hữu Lũng đã ban hành văn bản triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, UBND huyện yêu cầu tất cả các phòng, ban, đơn vị, tổ chức, đoàn thể như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Đội Quản lý thị trường; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện; Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông huyện; Công an huyện; Trạm Kiểm dịch động vật huyện Hữu Lũng, UBND các xã, thị trấn… phối hợp tuyên truyền cho người dân trong những buổi họp thôn, xã và giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn… để phòng, chống, hoặc giảm thiểu mức thiệt hại nếu có dịch bệnh xảy ra…

Bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện nay tổng đàn lợn của huyện Hữu Lũng có khoảng 50.000 con. Chúng tôi luôn chủ động theo dõi, giám sát, tuyên truyền, cảnh báo dịch bệnh cho người dân hiểu mức độ nguy hại cũng như cách phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các hộ nuôi cũng thường xuyên vệ sinh, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng người và phương tiện ra vào khu vực chuồng trại và khu vực liên quan. Đồng thời, chúng tôi cũng cảnh báo người dân tuyệt đối không mua bán lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, phải thực hiện tiêm phòng đủ các loại vắc-xin trên đàn lợn…


Cán bộ Thú y viên xã Sơn Hà huyện Hữu Lũng (áo trắng), kiểm tra công tác
vệ sinh chuồng trại và tuyên truyền về bệnh dịch tả lợn châu Phi
đến từng hộ dân nuôi lợn trong xã

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hữu Lũng đã nhập bổ sung 900 lít hóa chất và cấp phát cho các xã, thị trấn để tiến hành phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, đường làng ngõ xóm, nhất là những điểm có nguy cơ lây nhiễm cao từ tháng 2/2019; cử cán bộ của trung tâm lên Chi cục Thú ý tỉnh tập huấn cách nhận biết, xử lý các tình huống nếu xảy ra về dịch bệnh này. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về dấu hiệu, cách nhận biết và biện pháp phòng chống dịch được tăng cường đến các xã, thị trấn và hộ chăn nuôi. Do vậy đến thời điểm này trên địa bàn huyện chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trong công tác theo dõi, giám sát đàn lợn của cán bộ chuyên môn, nếu phát hiện lợn bệnh với triệu chứng bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi; hoặc nghi là lợn, sản phẩm lợn nhập lậu trái phép thì lấy mẫu ngay, báo cáo cấp có thẩm quyền và gửi đến Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để chẩn đoán xét nghiệm tác nhân gây bệnh.

Để chủ động hơn trong trường hợp địa bàn xảy ra dịch tả lợn châu Phi, các ngành, chức năng huyện đã đưa ra các tình huống xử lý nhằm ứng phó, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng. Cụ thể, khi phát hiện các ổ dịch, huyện sẽ đưa ra các giải pháp tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi mắc bệnh, khoanh vùng ổ dịch, dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn; đưa ra các giải pháp quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch…

Ông Long Đức Sinh, thôn Ao Đẫu, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện tại gia đình tôi có gần 50 con lợn các loại, qua tivi, báo đài, thú y viên tại cơ sở tuyên truyền tôi cũng đã nắm bắt được thông tin dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại một số tỉnh ở nước ta. Vì vậy, tôi đã chủ động lên các phương án phòng, chống dịch bệnh này bằng nhiều cách như vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; phun thuốc tiêu độc khử trùng 2 ngày 1 lần, tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn; tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn; không cho người lạ vào chuồng trại…

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi tại một số tỉnh, thành trong cả nước, các cấp, ngành chức năng của huyện Hữu Lũng đã chủ động giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện, xử lý triệt để nếu không may bệnh dịch xảy ra và không để bệnh lây lan diện rộng nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm bệnh trên địa bàn huyện Hữu Lũng nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung. Qua đó nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế – xã hội và môi trường do bệnh gây ra.

TRANG VÂN – HOÀNG CƯỜNG