Thứ sáu,  20/09/2024

60 năm thăng trầm mỏ than Na Dương

(LSO) – Ngày 14/3/2019, trong không khí hân hoan ngày gặp mặt hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập mỏ than Na Dương của các thế hệ cán bộ, công nhân, lao động, ông Triệu Tùng nguyên Giám đốc mỏ than Na Dương thời kỳ 1975 – 1992 xúc động: “Than Na Dương trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng dù trong hoàn cảnh nào tinh thần đoàn kết của các thế hệ cán bộ, công nhân, người lao động từng làm việc tại mỏ luôn được phát huy để vượt qua. Giờ đây, trở lại với ngôi nhà xưa, chúng tôi cảm nhận được than Na Dương đang vững bước phát triển trên chính đôi chân của mình.”

     Thăng trầm mỏ than Na Dương

Than Na Dương là loại than đặc chủng hiếm có tại Việt Nam có đặc điểm có thể cháy tự nhiên, hàm lượng lưu huỳnh lớn, khi gặp nước, loại than này có thể chuyển hóa thành axit sunfuric, nếu thải ra môi trường sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường sống xung quanh. Chính từ những đặc tính này mà than Na Dương chỉ phù hợp dùng cho ngành sản xuất công nghiệp xi măng lò quay phương pháp ướt, hoặc phù hợp với các nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ lò tần sôi tuần hoàn. Do vậy, khi mới thành lập, sản phẩm của mỏ than Na Dương chủ yếu được cung cấp phục vụ cho sản xuất Xi măng của Nhà máy xi măng Hải Phòng.

Đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (người chỉ tay đứng giữa) kiểm tra thực hiện dự án mở rộng mỏ than Na Dương

Mặc dù vậy, việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn, bởi giai đoạn những năm 1960 đến 1975 đất nước ta phải đối mặt với cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Nhà máy Xi măng Hải Phòng liên tục bị đánh phá ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm than Na Dương.

Từ thập niên 1980, cuộc chiến tranh biên giới 1979 kết thúc, cùng với việc nước ta thực hiện công cuộc kiến thiết đất nước; nhiều công trình công nghiệp được đầu tư xây dựng, trong đó có Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn sử dụng công nghệ ướt của Liên Xô. Than Na Dương lại là nguyên liệu mang lại hiệu quả nhất cho nhà máy, có thêm khách hàng với nhu cầu nguyên liệu rất lớn. Có thể nói, từ năm 1980 đến năm 1993 là thời kỳ hoàng kim của mỏ than Na Dương, có những thời điểm, nhân lực của mỏ được tăng cường tới 2.000 người và được đầu tư công nghệ, máy móc tiên tiến của Liên Xô phục vụ khai thác mỏ. Ngoài khai thác than, mỏ còn mở rộng ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng nhằm tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, hướng tới mô hình sản xuất bền vững, các nhà máy xi măng Hải Phòng và Bỉm Sơm buộc phải thay đổi công nghệ đồng nghĩa với việc tiêu thụ than Na Dương bị ảnh hưởng nặng nề. Từ đó, đặt ra vấn đề cho mỏ là làm thế nào để tiếp tục duy trì sản xuất và bảo đảm cuộc sống người lao động.

     Vững bước từ trong gian khó

Trong bối cảnh đó, năm 1998, Chính phủ đã quyết định đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Na Dương sử dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản với mục tiêu giải quyết đầu ra cho sản phẩm than Na Dương. Một lần nữa, mỏ than Na Dương lại tìm được khách hàng cứu tinh cho mình trong những năm đầu của thế kỷ XXI.

Công ty Than Na Dương đầu tư trang thiết bị tiên tiến phục vụ nâng cao năng suất khai thác mỏ

Từ năm 2012 đến nay, Công ty Than Na Dương đầu tư 37,1 tỷ đồng cho các hệ thống xử lý môi trường phục vụ khai thác mỏ. Cụ thể: năm 2012, đầu tư trạm xử lý nước thải mỏ than Na Dương trị giá hơn 34,9 tỷ đồng; năm 2016 đầu tư trạm xử lý nước thải nhiễm dầu với tổng mức 608 triệu đồng; năm 2018 đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt khu vực văn phòng và khu vực phân xưởng cơ điện sàng tuyển và hệ thống bơm tự động hóa gắn với hệ thống camera giám sát tổng trị giá gần 1,6 tỷ đồng. Nhờ đó, công ty đã được đưa ra khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ năm 2016.

Từ năm 2005 đến nay, liên tục mỗi năm, mỏ than Na Dương cung cấp đều đặn từ 500 nghìn tấn đến 600 nghìn tấn than cho Nhà máy Nhiệt điện Na Dương hoạt động ổn định. Tổ hợp than, điện Na Dương hoạt động hiệu quả từ đó đến nay. Từ năm 2006 trở lại đây, thực hiện tái cơ cấu ngành than, mỏ than Na Dương đã hai lần thay đổi mô hình hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu của ngành theo hướng chất lượng, hiệu quả.

Nắm bắt vận hội mới, công ty liên tục tổ chức khảo sát đánh giá trữ lượng mỏ, trên cơ sở đó có kế hoạch đầu tư mở rộng mỏ sản xuất phục vụ phát triển của ngành trong thời gian tới. Đáng chú ý nhất, công ty đang triển khai đề án mở rộng, nâng công suất mỏ từ 600 nghìn tấn/năm lên 1,2 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng. Hiện tiến độ thực hiện dự án đang được công ty phối hợp với UBND huyện Lộc Bình đẩy nhanh tiến độ.

Hiện nay, thị trấn Na Dương với tổ hợp công nghiệp than, điện Na Dương hiện hữu đã khoác trên mình tấm áo mới. Trên công trường khai thác ngày càng xanh – sạch – đẹp với những trang thiết bị khai thác hiện đại, công tác cải thiện môi trường được quan tâm đầu tư thực hiện có hiệu quả. Kết thúc năm 2018, công ty đã cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Na Dương gần 550 nghìn tấn than sạch, doanh thu đạt 505 tỷ đồng, thu nhập người lao động đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng. Những con số tưởng chừng rất khô khan nhưng đằng sau đó là cả một sự quyết tâm, trăn trở vượt khó của những con người nơi đây, đó là quyết tâm dám nghĩ, dám làm với những khoản đầu tư hợp lý đúng hướng của đơn vị.

Ông Lý Văn Lục, Giám đốc Công ty Than Na Dương cho biết: Việc mở rộng nâng cấp công suất mỏ lên 1,2 triệu tấn/năm nằm trong lộ trình và cũng là thách thức mới, song với quyết tâm đổi mới và phát huy truyền thống kỷ luật – đồng tâm của người thợ mỏ, chúng tôi sẽ thực hiện thành công đề án. Qua đó góp phần nhỏ của mình vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào sự phát triển công nghiệp của tỉnh Lạng Sơn trên chặng đường đổi mới.

Từ khi thành lập mỏ than Na Dương giai đoạn năm 1959 đến năm 2018, Công ty Than Na Dương khai thác được 12,7 triệu tấn than nguyên khai tại khai trường. Công ty đã cung cấp 10,6 triệu tấn than cho Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) và Nhà máy Nhiệt điện Na Dương.

Trong đó, riêng từ năm 2014 đến hết 2018, công ty sản xuất và tiêu thụ được hơn 2,6 triệu tấn than sạch phục vụ hoạt động của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương, doanh thu đạt 2,7 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 456 tỷ đồng.

PHÙNG KHIÊM - CÔNG QUÂN