Thứ sáu,  20/09/2024

Đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ muối cho diêm dân

Năm 2018, diện tích muối cả nước tăng cao hơn nhiều so những năm trước. Tuy nhiên, để nâng cao sản lượng, chất lượng cũng như tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm thu nhập ổn định cho diêm dân, các ngành và địa phương cần hỗ trợ, khuyến khích người làm muối ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ muối cho diêm dân

Diêm dân huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) hối hả thu hoạch muối đầu vụ.

Muối được giá

Với tổng diện tích sản xuất hơn 3.544 ha, tỉnh Ninh Thuận được xem là “thủ phủ” muối của cả nước. Mười năm trở lại đây, không chỉ duy trì nghề làm muối trên nền đất, nhiều diêm dân trên địa bàn đã đầu tư công nghệ để sản xuất muối sạch, bằng hình thức trải bạt ni-lông trên nền ruộng có phân ô kết tinh. Kỹ thuật này giúp nâng cao sản lượng cũng như chất lượng muối kết tinh.

Tại huyện Ninh Hải có hơn 700 ha muối với tổng sản lượng thu hoạch hằng năm khoảng 160 nghìn tấn. Từ đầu năm đến nay, diêm dân đã thu hoạch hơn 16 nghìn tấn muối. Mới đầu mùa, nhưng giá thu mua muối đóng bao tại ruộng từ 1 đến 1,2 triệu đồng/tấn, diêm dân lãi gấp đôi so với năm trước. Diêm dân Lê Lành ở xã Phương Hải có hơn 20 năm làm muối cho biết: “Trời càng nắng gắt thì nước biển bốc hơi càng mạnh, muối kết tinh nhanh và độ mặn càng cao. Đầu năm mà trúng giá, bà con phấn khởi lắm!”.

Với lợi thế gần biển, nắng nóng quanh năm, từ năm 2000 đến nay, người dân thôn Khánh Tường, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải chuyển đổi hơn 80 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang làm muối, cho năng suất bình quân đạt từ 200 đến 300 tấn/ha/năm. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, góp phần đưa Tri Hải là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đợt thu hoạch đầu tiên vụ muối năm nay, cánh đồng muối hơn 5 ha của ông Bùi Hóa ở Khánh Tường đạt sản lượng khá. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, mỗi năm thu nhập hơn 500 triệu đồng từ muối. Từ nghèo khó, ông Hóa đã vươn lên làm giàu. Mấy năm qua, ông đã giúp nhiều thanh niên, bộ đội sau khi xuất ngũ có ý chí tự thân lập nghiệp, gia đình các cựu chiến binh, hộ nghèo không có đất sản xuất… bằng hình thức giao ruộng muối cho họ sản xuất và chia sản phẩm sau thu hoạch với tỷ lệ 50/50. Nhờ đó, đời sống của nhiều người nhận ruộng muối của ông Hóa để làm ngày càng sung túc. Anh Ngọc Lê, một trong số những thanh niên nhận khoán bốn sào ruộng muối của ông Bùi Hóa để lập nghiệp, tâm sự: “Nhờ mấy sào muối nhận khoán của ông Hóa, tôi đã có nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo. Đầu vụ, đã thu hoạch hơn năm tấn và trúng giá, nên đời sống gia đình khá ổn định”. Nhờ thu nhập khá từ muối đem lại, diện mạo nông thôn ở các xã vùng biển Ninh Thuận ngày càng khởi sắc, số hộ thoát nghèo mỗi năm tăng đáng kể.

Bảo đảm đầu ra ổn định

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 diện tích muối cả nước khoảng 13.417 ha, trong đó sản xuất muối công nghiệp đạt 4.313 ha. Do thời tiết có nhiều thuận lợi, sản xuất muối đạt sản lượng cao với hơn 965 nghìn tấn, tăng 58% so với năm 2017. Tuy nhiên, ở một số địa phương việc sản xuất muối đang gặp nhiều khó khăn do phương thức sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng đồng muối xuống cấp dẫn tới năng suất, chất lượng không cao; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa được quan tâm nhiều; việc liên kết sản xuất muối ở một số nơi còn hạn chế; tổn thất sau thu hoạch vẫn còn xảy ra.

Trong khi đó theo kế hoạch năm 2019, diện tích sản xuất muối cả nước sẽ đạt 13.500 ha với sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn. Vì vậy để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương có diện tích muối triển khai các giải pháp cải tạo nâng cấp và hiện đại hóa các đồng muối; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng sản lượng muối công nghiệp, nâng cao năng suất, hạ giá thành, cải thiện thu nhập cho diêm dân; đẩy mạnh sản xuất muối cung cấp cho công nghiệp hóa chất, chế biến muối i-ốt; thông qua chế biến để tiêu thụ muối thô, tạo điều kiện nâng cao đời sống diêm dân.

Đồng thời đẩy mạnh quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, nhập khẩu muối, muối i-ốt tại địa phương; đầu mối tổng hợp, đánh giá, phân loại điều kiện bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất chế biến muối, muối i-ốt tại địa phương. Lồng ghép các nguồn vốn và ưu tiên kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối; hỗ trợ người dân, hợp tác xã muối thành lập tổ liên kết sản xuất muối sạch từ nguồn kinh phí địa phương và ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với các cơ sở chế biến…

Theo Nhandan