Thứ sáu,  20/09/2024

Xã Đình Lập: Phát huy thế mạnh lâm nghiệp

(LSO) – Tận dụng lợi thế, tiềm năng đất lâm nghiệp, người dân xã Đình Lập, huyện Đình Lập đã tích cực đẩy mạnh trồng rừng, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của bà con từng bước nâng cao.

Xã Đình Lập có 17 thôn, 1.028 hộ với 4.208 nhân khẩu. Toàn xã có hơn 11 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm 84,7% diện tích đất tự nhiên. Để thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế rừng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Theo đó, từ năm 2005, bà con nông dân đã chủ động vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng rừng. Đến năm 2015, khi chương trình hỗ trợ vay vốn trồng cây lâm nghiệp theo Quyết định 39 của UBND tỉnh triển khai về xã, cấp ủy, chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký vay vốn. Hiện nay, tổng dư nợ từ các nguồn vốn trên địa bàn xã là trên 42 tỷ đồng cho hơn 800 hộ vay, trong đó có 80% hộ vay để đầu tư trồng rừng.

Người dân thôn Còn Quang, xã Đình Lập, huyện Đình Lập khai thác nhựa thông

Nhờ được tạo điều kiện vay vốn, phong trào phát triển kinh tế rừng ở xã Đình Lập ngày càng lan rộng, rừng được trồng tập trung nhiều ở các thôn: Tà Hón, Bản Chuông, Còn Mò, Pò Tấu, Nà Pá, Bình Chương 1, Bình Chương 2, Còn Áng, Còn Quan, Pò Khoang. Trong đó, hộ trồng ít khoảng 3 ha, hộ trồng nhiều từ 50 đến 70 ha. Nếu như năm 2014, tổng diện tích rừng của toàn xã mới chỉ có trên 5.000 ha, thì đến nay đã lên tới hơn 6.700 ha (chủ yếu là thông), nâng tỉ lệ che phủ rừng của xã đạt 67%.

Bà Hoàng Thị Bích, thôn Pò Khoang chia sẻ: Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo. Từ năm 1998, tôi trồng 6 ha thông theo dự án Việt Đức. Sau khi trồng thấy thông phát triển tốt, từ đó mỗi năm tôi đều trồng thêm từ 2 đến 3 ha. Đến nay, gia đình tôi có trên 30 ha thông, trong đó có khoảng 20 ha đang cho khai thác nhựa. Từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu từ 10 đến 12 tấn nhựa thông, trừ chi phí thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm, nhờ đó đã thoát nghèo và xây dựng được nhà cửa khang trang hơn.

Không chỉ riêng gia đình bà Bích, tại xã Đình Lập hiện đã và đang có rất nhiều hộ nhờ trồng rừng đã thoát nghèo và có thu nhập từ 200 đến 400 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như các hộ: ông Hà Văn Chín (Pò Khoang); bà Hoàng Thị Thanh Mai (Pò Tấu); ông Hoàng Văn Anh (Còn Mò); ông Mã Văn Sáy (Còn Quang); ông Hoàng Văn Hậu (Bình Chương 1) và bà Đặng Thị Xuyến (Kim Quán).

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân vay vốn, hằng năm, xã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện mở từ 2 đến 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề ngắn hạn, kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho bà con.

Cùng với đó, hằng năm xã xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy rừng; kiện toàn ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã; phân công nhiệm vụ từng thành viên phụ trách địa bàn; thành lập các tổ đội tự quản rừng ở các thôn, bản… Đồng thời, xã thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện hướng dẫn bà con chăm sóc diện tích trồng rừng mới; làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh; hướng dẫn các chủ rừng phát dọn thực bì; trồng đúng quy cách; khai thác rừng đúng quy trình. Do đó, từ trước đến nay, trên địa bàn chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.

Ông Sái Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Phát triển kinh tế rừng là hướng đi mũi nhọn của xã. Nhờ rừng, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Hiện, thu nhập bình quân đầu người là 28 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng/người/năm so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo còn 11,6%, giảm được 22,4% so với năm 2015. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền bà con ở các thôn có điều kiện trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc để nâng cao thu nhập cải thiện đời sống.

NGUYỄN PHƯƠNG