Thứ sáu,  20/09/2024

Tăng cường phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

LSO-Vào thời điểm này, ngoài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ngành nông nghiệp, cơ quan thú y và người chăn nuôi đang chủ động triển khai các biện pháp phòng một số dịch bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm.


Cán bộ thú y huyện Lộc Bình phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại
chăn nuôi của một số hộ dân trên địa bàn

Theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, cũng cần quan tâm đến công tác phòng một số dịch bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến bệnh lở mồm long móng (đàn trâu bò, đàn lợn), bệnh tai xanh (đàn lợn) và bệnh cúm gia cầm.

Trên thực tế, diễn biến một số dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi đã xảy ra đúng theo dự đoán của Chi cục Thú y ngay từ thời điểm đầu năm 2019. Cũng theo chiều hướng dự báo này, thời điểm hiện nay, nguy cơ xuất hiện một số dịch bệnh nguy hiểm khác như: tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm… có thể sẽ phát sinh rải rác tại một số huyện trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các vùng có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, khu vực có ổ dịch cũ.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Vào thời điểm này của năm 2018, tại 4 huyện: Đình Lập, Văn Quan, Bình Gia, Cao Lộc đã xuất hiện trâu bò và lợn mắc bệnh lở mồm long móng với tổng số mắc bệnh là 85 con. Như vậy, theo tình hình đó, nguy cơ bệnh lở mồm long lóng trên đàn gia súc xảy ra vào thời điểm này khá cao.

Cũng theo Chi cục Thú y, nguy cơ bệnh cúm gia cầm xảy ra trên đàn gà, vịt cũng có bùng phát do yếu tố thời tiết nóng, ẩm. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến bệnh cúm gia cầm luôn tiềm ẩn đó là, sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm A/H5N6 trên đàn gia cầm vẫn luôn tồn tại, theo kết quả giám sát của cơ quan thú y thì tỷ lệ lưu hành vi rút cúm A/H5N6 hiện nay là 0,95%.

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, ngành nông nghiệp tỉnh đã có công văn gửi UBND các huyện và thành phố, theo đó, các huyện và thành phố tăng cường chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện công tác phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng chuyên môn xuống cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp cơ bản chống dịch bệnh. Ngoài ra, cơ quan chức năng chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở bám sát các hộ chăn nuôi, tuyên truyền cho bà con cách phòng tránh bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời hướng dẫn bà con chủ động phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, khu vực chăn nuôi; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên thu gom, vận chuyển chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý an toàn trước khi đưa ra môi trường. Bên cạnh đó, vận động người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên kiểm tra, theo dõi vật nuôi và phải báo ngay cho cán bộ thú y khi có dấu hiệu bất thường trên đàn vật nuôi.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, trên địa bàn toàn tỉnh, hiện tổng đàn trâu bò có hơn 122 nghìn con, đàn bò có hơn 33 nghìn con, đàn lợn có trên 284 nghìn con và đàn gia cầm có khoảng 3,9 triệu con.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo cơ quan thú y cũng tập trung triển khai tiêm phòng những vùng chăn nuôi trọng điểm và những khu vực có ổ dịch cũ. Được biết, trong 3 tháng đầu năm 2019, cơ quan chuyên môn tại các huyện và thành phố đã triển khai tiêm hơn 40 nghìn liều vắc – xin cho đàn lợn (phòng bệnh lở mồm long móng). Thời gian tới đây, sẽ tiếp tục tiêm phòng mở rộng cho cả đàn trâu, bò và dê. Ngoài công tác tiêm phòng, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý động vật nhiễm bệnh nhập vào địa bàn.

Trong hơn 1 tháng qua, các ngành, các cấp, chính quyền các huyện, thành phố và các hộ chăn nuôi đã và đang tập trung tối đa nhân lực, vật lực để phòng, chống và dập dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù vậy, vẫn cần tập trung ngăn chặn không để một số dịch bệnh khác xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm.

LƯU VŨ