Thứ sáu,  20/09/2024

Đồng Tân: Đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng

(LSO) – Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Xã Đồng Tân có tổng diện tích đất tự nhiên là 2.697 ha, trong đó, đất lâm nghiệp trên 647 ha. Trước đây, do nhận thức của người dân còn hạn chế, đa phần nông dân không mặn mà với việc đầu tư phát triển rừng sản xuất, công tác chăm sóc, bảo vệ rừng chưa được quan tâm chú trọng nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Nhằm khai thác lợi thế đất rừng, xã xác định lâm nghiệp là một trong những hướng đi chủ đạo để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về trồng rừng, bảo vệ đi đôi với khai thác, nhờ vậy, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên.

Nhờ đó, từ những năm 2000, bà con xã Đồng Tân đã bắt đầu trồng rừng sản xuất. Đến khoảng năm 2005, phong trào trồng rừng bắt đầu phát triển mạnh, rộng khắp trong toàn xã. Theo đó, bà con đã đưa những giống cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như: keo, bạch đàn, sưa… Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình có thu nhập cao từ rừng.

Người dân thôn Đồng Heo, xã Đồng Tân chăm sóc đồi bạch đàn

Gia đình bà Hoàng Thị Lâm, thôn Ngọc Thành là một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế đồi rừng. Bà Lâm cho biết: Từ năm 2003, tôi phát dọn đồi và trồng rừng. Hiện gia đình tôi có khoảng 4 ha rừng trồng cây keo và bạch đàn, nhờ trồng gối nhau nên hầu như năm nào, gia đình cũng có diện tích rừng được khai thác, bình quân thu nhập từ rừng đem lại trên 100 triệu đồng mỗi năm, gia đình tôi xây dựng được nhà cửa khang trang và nuôi dạy con cái ăn học đầy đủ.

Không chỉ riêng gia đình bà Lâm, thu nhập từ rừng đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Điển hình như các hộ: Nông Văn Tiến, thôn Ngọc Thành; Phạm Văn Hinh, Mạc Văn Kim, thôn Đồng Heo; Nông Xuân Hữu, thôn Cóc Dĩ… Hiện nay, toàn xã có trên 70% số hộ tham gia trồng rừng, tập trung ở 10/10 thôn bản, nhiều nhất ở các thôn: Đồng Lai, Cóc Dĩ, Làng Cần, Làng Ngọc… Trong đó, có hơn 100 hộ có thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/năm từ rừng.

Không chỉ tận dụng tối đa diện tích đất lâm nghiệp, từ năm 2015 trở lại đây, người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích một số cây trồng kém hiệu quả kinh tế để trồng rừng. Nhờ đó, đến nay, toàn xã trồng được trên 800 ha rừng cây các loại, riêng năm 2018, bà con trồng được gần 80 ha.

Theo các hộ có nguồn thu từ rừng, đầu ra cho sản phẩm gỗ rừng trồng rất ổn định khi trên địa bàn huyện có nhiều cơ sở sản xuất gỗ bóc, các thương lái trong và ngoài huyện đến tận nơi thu mua. Người dân không lo về đầu ra nên yên tâm mở rộng diện tích.

Để trồng rừng hiệu quả, hằng năm, xã thường xuyên phối hợp với phòng chuyên môn của huyện mở từ 2 đến 3 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc cây lâm nghiệp. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng.

Ông Linh Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc khai thác lợi thế phát triển kinh tế đồi rừng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn xã. Năm 2018, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của xã được trên 2.100 m3, đem lại nguồn thu hơn 1,6 tỷ đồng. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Nếu như năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm thì hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,6%.

KIM HUYÊN – NGUYỄN PHƯƠNG