Thứ sáu,  20/09/2024

Agribank Đình Lập: Tiếp sức phát triển kinh tế rừng

(LSO) – Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập (Agribank Đình Lập) luôn đồng hành cùng người dân vùng khó trong phát triển rừng, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Cùng cán bộ tín dụng Agribank Đình Lập, chúng tôi đến thăm gia đình anh Triệu Văn Quan, thôn Hin Đăm, một thôn vùng cao khó khăn của xã Kiên Mộc. Dưới mái hiên căn nhà ngói đỏ 3 gian khang trang, kiên cố mới dựng, anh Quan phấn khởi chia sẻ: “Năm 2009, tôi được ngân hàng nông nghiệp huyện cho vay 30 triệu đồng để vừa chăm sóc rừng thông cũ do cha ông để lại, vừa trồng mới 7 ha rừng. Sau 4 năm, một số diện tích rừng thông bắt đầu cho khai thác nhựa, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/năm, năm 2014, gia đình đã hoàn trả toàn bộ số vốn vay. Đến năm 2018, gia đình tiếp tục được ngân hàng cho vay 140  triệu đồng với lãi suất 0,5%/tháng để trồng keo trên phần diện tích đất rừng được giao”.

Cán bộ tín dụng Agribank Đình Lập tư vấn về nguồn vốn vay cho hộ gia đình anh Triệu Văn Quan

Không chỉ người dân thôn Hin Đăm mà giờ đây, nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng của Agribank Đình Lập đã phủ rộng tất cả các xã của huyện. Trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm chi nhánh cho vay chương trình hỗ trợ lãi suất trồng rừng theo Quyết định 39 của UBND tỉnh ngày 27/12/2007 khoảng 50 tỷ đồng. Tính đến tháng 4/2019, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 58,4 tỷ đồng với 879 hộ đang vay vốn. Có hộ được xét vay đến 200 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 0,5%/tháng.

Ông Vi Văn Đông, Phó Trưởng phòng Tín dụng Agribank Đình Lập người trực tiếp xử lý hồ sơ vay vốn ưu đãi trồng rừng hơn 10 năm nay chia sẻ: Để giúp người dân tiếp cận nguồn vốn, phòng cử cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với UBND xã rà , lập danh sách hộ dân có diện tích đất rừng lớn, có tiềm năng nhưng thiếu vốn đầu tư để hỗ trợ vay. Đồng thời, thông qua các tổ chức đoàn, hội tư vấn, hướng dẫn người dân lập hồ sơ vay vốn.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đa số người dân khi vay vốn chưa biết lập hồ sơ, dự án theo quy định để vay vốn. Do vậy, hồ sơ chủ yếu do cán bộ tín dụng ngân hàng phối hợp cùng cán bộ các phòng chuyên môn của huyện hướng dẫn, trợ giúp. Đồng thời, để người dân  được vay vốn ưu đãi, ngân hàng cũng chủ động giảm bớt một số quy định.

Ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Agribank Đình Lập cho biết: Nhiều hộ dân khi vay vốn không đủ tài sản đảm bảo theo quy định, có những hộ có diện tích đất rừng khá lớn nhưng lại chưa có chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên, qua thẩm định, rà soát, ngân hàng vẫn linh động cho vay để đầu tư trồng rừng. Đây gần như là hình thức cho vay tín chấp, bởi nếu áp dụng đúng theo quy định, thủ tục theo hồ sơ dự án để vay vốn ưu đãi thì người dân khó có thể tiếp cận nguồn vốn.

Nhờ nguồn vốn ưu đãi mà bình quân mỗi năm người dân Đình Lập trồng mới từ 1.500 đến 2.500 ha rừng. Đến nay, diện tích rừng trồng của huyện Đình Lập đạt 61.510 ha, chiếm trên 65% đất lâm nghiệp có rừng. Thu nhập từ rừng và sản phẩm cây lâm nghiệp đã trở thành chủ lực của huyện Đình Lập. Hằng năm, toàn huyện có khoảng 15.000 ha thông đến tuổi khai thác nhựa, các sản phẩm gỗ bóc, ván ép trên địa bàn cũng bắt đầu cho hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm đạt sản lượng bình quân 75.000 tấn gỗ bóc, 4.600 m3 gỗ tròn và trên 12.000 tấn gỗ dăm.

YÊN SƠN