Thứ sáu,  20/09/2024

Chi Lăng dồn lực khống chế dịch tả lợn châu Phi

LSO-Từ cuối tháng 4/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lan nhanh tại huyện Chi Lăng. Các cấp, ngành và người chăn nuôi ở huyện đã và đang tích cực ứng phó nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh, không để lan rộng.


Nhân viên thú y tại huyện Chi Lăng hướng dẫn người dân cách
sử dụng thuốc sát trùng phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi lợn

Dịch lây lan nhanh

Theo số liệu cung cấp từ Trung tâm Dịch vụ Nông Nghiệp (TTDVNN) huyện Chi Lăng, từ ngày 23/4/2019 đến ngày 27/5, toàn huyện có trên 300 hộ chăn nuôi tại địa bàn gần 80 thôn tại 19/21 xã, thị trấn xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn bị nhiễm bệnh, buộc tiêu hủy lên tới gần 3.000 con với tổng trọng lượng gần 170 tấn. Trong số đó có gần 1 tấn lợn đực giống, trên 53 tấn lợn nái, gần 110 tấn lợn thịt và gần 3 tấn lợn con. Đây cũng là địa bàn có tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trong tỉnh Lạng Sơn.

Ông Phan Văn Sáu, Giám đốc TTDVNN huyện cho biết: Trong 1 tháng gần đây, dịch tả lợn châu Phi lây lan với tốc độ nhanh và mạnh. Trước đó, ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại thôn Lân Bông, thị trấn Chi Lăng nhưng sau hơn 1 tháng đã lan rộng gần như phủ kín địa bàn toàn huyện, chỉ trừ xã Bằng Hữu, Liên Sơn chưa có dịch.

Dịch tả lợn châu Phi lây lan ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Có mặt tại xã Quang Lang vào ngày 23/5, chúng tôi mới thấy rõ nức độ thiệt hại kinh tế do dịch tả lợn châu Phi gây ra. Riêng trong ngày này, toàn xã có 9 hộ có trên 70 con lợn ốm nghi nhiễm dịch tả lợn châu Phi đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, cho tiêu hủy.

Gia đình ông Lý Văn Lèn, thôn Khun Thúng là một ví dụ. Dịch bệnh hoành hành khiến gia đình ông thiệt hại 14 con lợn (1 con lợn nái, 3 con lợn thịt và 9 con lợn con) với tổng trọng lượng trên 500 kg. Ông Lèn cho biết: “Gia đình tôi chủ yếu phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn. Nay cả đàn lợn đều bị nhiễm bệnh và tiêu hủy hết, gia đình không còn tư liệu sản xuất. Dịch bệnh diễn biến phức tạp như này thì không biết bao giờ chúng tôi mới có thể tái đàn”.


Lợn của hộ dân tại xã Quang Lang (Chi Lăng) bị nhiễm dịch tả châu Phi
được mang đi tiêu hủy

Dồn lực chống dịch

Trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện Chi Lăng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện chặt chẽ công tác phòng chống dịch. Từ khi có dịch thì công tác này được thực hiện quyết liệt hơn.

Cụ thể, hơn 1 tháng nay, các cơ quan chuyên môn ở huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn phòng chống dịch tả lợn châu Phi được 36 cuộc với 2.481 người tham dự; cấp gần 600 lít hóa chất sát trùng, gần 26 tấn vôi bột cùng các vật tư khác; kiểm soát vận chuyển được gần 3.000 con lợn; phát trên 2.000 bộ tài liệu và 5.520 tờ rơi về cách nhận biết triệu chứng lâm sàng của dịch tả lợn châu Phi; tổ chức cho gần 2.000 hộ kinh doanh giết mổ, chăn nuôi ký cam kết phòng chống dịch.

Anh Hoàng Văn Bé, Thú y viên xã Quang Lang cho biết: Khoảng 1 tháng nay, xã có gần 200 con lợn nhiễm dịch bệnh buộc phải tiêu hủy. Để ngăn ngừa lây lan, chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ, thường xuyên đến từng hộ dân tuyên truyền cách phòng chống bệnh cho đàn lợn một cách hiệu quả, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, không cho người ngoài và các loại vật nuôi khác vào khu vực chăn nuôi…

Ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND huyện sẽ tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành và hộ chăn nuôi trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp chống dịch. Cụ thể là yêu cầu buộc tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị nhiễm dịch bệnh. Khi tiêu hủy đảm bảo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và có sự giám sát chặt chẽ của đại diện chính quyền cơ sở và sự kiểm tra chéo của người dân; kịp thời khoanh vùng ổ dịch. UBND huyện cũng tổ chức công bố ổ dịch phát sinh theo quy định. Đặc biệt là chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền về diễn biến và cách phòng chống dịch tả lợn châu Phi; chỉ đạo thực hiện tốt công tác phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại, kiểm soát vận chuyển và kiểm soát giết mổ trên địa bàn. Huyện cũng sẽ tăng cường kiểm tra, công khai minh bạch các hộ có lợn bị nhiễm bệnh để tránh trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ lợn bị nhiễm dịch.

HÀ MY - TRỊNH HẰNG