Thứ sáu,  20/09/2024

Yên Bái cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Theo kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, tỉnh Yên Bái xếp thứ 42 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng bốn bậc so với năm 2017 và chín bậc so với năm 2015 và ở tốp đầu của nhóm có chất lượng điều hành trung bình.

Yên Bái cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Cán bộ bộ phận phục vụ hành chính công TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái hướng dẫn người dân lấy số thứ tự đăng ký giải quyết thủ tục hành chính. 

 

Với nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp trong cải cách hành chính, chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI 2018) cho thấy 2 trong số 8 chỉ số nội dung được đánh giá nhóm các tỉnh đạt mức cao nhất, 5 trong số 8 chỉ số được đánh giá nhóm các tỉnh đạt mức trung bình cao. Tuy nhiên, một số sở, ngành, địa phương chưa quan tâm đến công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; năng lực, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính còn nhiều hạn chế, còn biểu hiện gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp…

Năm 2019, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu phấn đấu chỉ số cải cách hành chính tăng từ 8 đến 10 bậc so với năm 2018, phấn đấu nằm trong tốp 30 của cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh PCI tăng từ 4 đến 6 bậc, đứng vị trí từ 36 đến 38 của cả nước; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh được cải thiện tốt và đồng bộ cả tám nội dung đánh giá. Để thực hiện, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cụ thể hóa việc cải cách hành chính bằng kế hoạch, trong đó nêu rõ giải pháp đối với các chỉ số giảm điểm; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích, nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt, các sáng kiến trong cải cách hành chính; đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính; bố trí cán bộ có năng lực vào việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức; cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan đầu mối, thường xuyên kiểm tra việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả của bộ phận phục vụ hành chính công các cấp nhằm giảm tỷ lệ trễ hẹn của các thủ tục hành chính…

* Quảng Nam là địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn đứng thứ hai cả nước với 449.558 ha. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm của tỉnh chỉ có 285 người, chưa đủ số lượng so với quy định. Việc đẩy mạnh hiện đại hóa, nâng cao năng lực giám sát tài nguyên rừng đang trở thành yêu cầu cấp thiết, nhất là trong bối cảnh lực lượng kiểm lâm của tỉnh đang trong quá trình sắp xếp tổ chức theo hướng tinh gọn. Từ nguồn hỗ trợ của Dự án Trường Sơn Xanh tỉnh đã đầu tư trang bị 225 máy tính bảng, với tổng trị giá 1,6 tỷ đồng cho cán bộ kiểm lâm tại các hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng. Với ứng dụng là thiết bị di động và các phần mềm chuyên dùng theo dõi diễn biến rừng đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Nam trong việc cập nhật thông tin, hình ảnh, nắm rõ thực trạng khu vực rừng quản lý, phát hiện nhanh các vụ phá rừng ở những vị trí có địa hình đi lại khó khăn; đồng thời giúp nâng cao khả năng tương tác, phối hợp giữa các phòng chức năng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam với hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng. Qua thời gian triển khai, các lực lượng chức năng đã ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng ở một số địa phương, nhất là khu vực rừng phòng hộ cũng như việc săn bắn, buôn bán động vật hoang dã và kiểm soát tốt các điểm có nguy cơ cháy rừng.

Tỉnh Quảng Nam đang nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống phần mềm quản lý rừng đồng bộ hơn, mua thêm nhiều trang thiết bị hiện đại, lắp đặt những bộ giám sát có thể phát hiện tiếng cưa máy ở những khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị lâm tặc xâm hại… Đây sẽ là những công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ kiểm lâm, góp phần xây dựng lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Theo Nhandan