Thứ sáu,  20/09/2024

Vải thiều rộng đường tiêu thụ

Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, tính đến đầu tháng 6-2019, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh đã làm thủ tục xuất khẩu cho hơn 13 nghìn tấn vải thiều, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,4 triệu USD. Trong khi đó, tại các địa phương trọng điểm trồng vải như Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương), quả vải cũng tiêu thụ tốt, đem lại thu nhập cao cho người trồng.

Vải thiều rộng đường tiêu thụ

Mùa thu hoạch vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). 

 

Giá cao, thuận đầu ra

Tại tỉnh Bắc Giang, giá vải thiều ở mức cao, dao động từ 30 đến 60 nghìn đồng/kg, cao gấp hai lần so với năm 2018. Hiện nay, diện tích trồng vải của tỉnh Bắc Giang duy trì hơn 28 nghìn héc-ta, sản lượng ước đạt 150 nghìn tấn. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là hơn 13,8 nghìn héc-ta sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha. Ðáng chú ý, năm 2019 là năm đầu huyện Lục Ngạn có sản phẩm vải thiều hữu cơ với diện tích 20 ha. Các vườn vải tham gia mô hình này được lắp ca-mê-ra giám sát, quy trình chăm sóc, thu hoạch được ghi lại bằng nhật ký điện tử. Gia đình anh Nguyễn Văn Quyên, thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn có 5.000 m2 trồng vải theo hướng GlobalGAP, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Ô-xtrây-li-a, EU. Anh Quyên cho biết: “Năm 2015, diện tích vải của gia đình đã được cơ quan chức năng của Mỹ cấp mã số vùng trồng. Theo đó, quy trình từ sản xuất đến thu hoạch đều được thực hiện nghiêm ngặt cho nên chất lượng quả vải luôn nổi trội, giá cao hơn so với giá thị trường khoảng 20%”.

Trong những ngày gần đây, hoạt động thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn ra rất sôi động, toàn tỉnh có hơn 500 điểm cân thu mua vải thiều. Là một trong những thương nhân có thâm niên hơn 15 năm thu mua vải thiều xuất sang thị trường Trung Quốc, ông Hoàng Văn Cánh, chủ điểm cân tại ngã ba Kép, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn cho biết: Năm nay, chất lượng quả vải thiều tốt hơn nhiều so với mọi năm, được thị trường Trung Quốc đánh giá cao. Hiện nay, chúng tôi đang thu mua vải với giá từ 35 đến 60 nghìn đồng/kg, cao gấp từ hai đến ba lần so với năm 2018. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái: Ngay từ đầu vụ, tỉnh đã chủ động đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều. Năm nay, dự kiến sản lượng vải thiều tiêu thụ trong nước chiếm 50%; xuất khẩu 50%. Tỉnh cũng đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn. Qua đó, quả vải thiều của tỉnh đang được bảo hộ nhãn hiệu tại tám quốc gia, hiện đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn vào thị trường Nhật Bản.

Cũng như vải Lục Ngạn, năm nay vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) dù chỉ đạt sản lượng khoảng 18 nghìn tấn, thấp hơn so với mùa vải năm trước (hơn 40 nghìn tấn) nhưng bù lại giá khá cao. Ðầu vụ, giá vải quả có lúc đạt gần 80 nghìn đồng/kg, khithấp nhất cũng đạt khoảng 30 nghìn đồng/kg, bình quân cả vụ đạt khoảng 40 nghìn đồng/kg. Như vậy, năm nay người trồng vải ở Thanh Hà thu về hơn 700 tỷ đồng, cao hơn năm trước khoảng 100 tỷ đồng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Ngô Ðức Vính: Năm nay, 70% sản lượng vải thiều Thanh Hà được xuất đi Trung Quốc, 5% xuất sang các nước khác, 25% tiêu thụ trong nước. Các công ty ký cam kết tiêu thụ vải thiều Thanh Hà với số lượng lớn để xuất khẩu và đưa vào hệ thống siêu thị bao gồm các công ty: Hưng Việt (Gia Lộc, Hải Dương), Rồng Ðỏ (Thanh Hà), Ðồng Giao (Ninh Bình).

Ðáp ứng nhiều yêu cầu mới của thị trường tiêu thụ

Năm 2019 là năm đầu sản phẩm vải thiều Bắc Giang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Theo đó, quả vải phải đáp ứng yêu cầu có tem nhãn ghi đầy đủ thông tin hàng hóa, nguồn gốc, quy cách đóng gói, công ty xuất khẩu, mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng; vải phải cắt cuống ngắn không quá 15 cm và không được lẫn lá… Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết: Tỉnh đã hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu này, đến nay, ngoài 18 mã vùng trồng do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp tại bảy xã, thì Trung Quốc đã chấp thuận 149 mã vùng trồng vải thiều của tỉnh Bắc Giang, với diện tích hơn 16 nghìn héc-ta và 86 cơ sở đóng gói với sản lượng khoảng 90 nghìn tấn. Do làm tốt công tác chuẩn bị cho nên việc thu mua và xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc rất thuận lợi.

Còn trên địa bàn huyện Thanh Hà (Hải Dương) có tới cả trăm điểm thu mua lớn, trong đó có gần 50 điểm thu mua do người Trung Quốc làm chủ. Ông Lê Hồng Hải ở xã Thanh Bính ký hợp đồng bán hết cả hai vườn vải cho thương lái trước thời điểm thu hoạch cả chục ngày với giá hơn 30 nghìn đồng/kg, thu về hơn 200 triệu đồng, tăng 50 triệu đồng so với vụ vải năm trước. Ông Hải hồ hởi: Vườn vải của gia đình được thương lái thu mua, xuất khẩu đi Trung Quốc theo con đường chính ngạch. Chính vì vậy, họ lựa chọn vải rất cầu kỳ, thậm chí hơi khắt khe như quả vải phải to đều, hạt nhỏ, mầu sắc quả trong vườn phải tương đồng, cùi ngọt, ít có vị chua.

Tính đến thời điểm này, huyện Thanh Hà đã đăng ký 19 mã số vùng trồng ở 11 xã và cấp giấy chứng nhận quản lý chặt chẽ các cơ sở đóng gói sản phẩm vải. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương Phạm Thanh Hải cho biết: Vải thiều Thanh Hà đã được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2007 và phát huy hiệu quả khá tốt. Tỉnh đã xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm, quy định về kiểm soát chất lượng sản phẩm, duy trì hệ thống mã số, mã vạch; thiết kế hệ thống tem, nhãn bao bì, dây buộc, băng dính, túi, hộp phục vụ đóng gói sản phẩm, giới thiệu sản phẩm vải thiều mang chỉ dẫn địa lý “Thanh Hà”.

Nhờ đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cho nên sản phẩm vải thiều tiêu thụ khá thuận lợi. Phó Cục trưởng Hải quan tỉnh Lạng Sơn Vi Công Tường cho biết: Ngay từ đầu vụ thu hoạch vải thiều, Cục Hải quan đã chỉ đạo các chi cục hải quan phối hợp các đơn vị làm việc ở cửa khẩu cũng như các lực lượng chức năng của nước bạn, tạo mọi điều kiện thông thoáng để hàng xuất khẩu được nhanh chóng, thuận lợi nhất. Tuy nhiên, đồng chí Vi Công Tường cũng khuyến cáo để việc xuất khẩu vải thiều vụ năm 2019 được thuận lợi, các doanh nghiệp cần thực hiện đúng quy trình ngay từ khâu thu hoạch để giao hàng nhanh chóng, hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu.

Theo Nhandan