Thứ sáu,  20/09/2024

Giữ đà tăng trưởng xuất khẩu dệt may

Sáu tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ và bằng 45,25% kế hoạch năm. Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam thường mạnh về những tháng cuối năm, tuy nhiên, muốn hoàn thành mục tiêu 40 tỷ USD theo kế hoạch đã đề ra, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp (DN) cũng như cần những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Giữ đà tăng trưởng xuất khẩu dệt may

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty May 10.

Thúc đẩy mở rộng sản xuất

Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, sáu tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Vinatex đạt 1,32 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ và đạt 44,5% so với kế hoạch năm. Thị trường Mỹ tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 7,22 tỷ USD, tăng 11,7%; Liên hiệp châu Âu (EU) đạt 2,56 tỷ USD, tăng 4,52%; Trung Quốc đạt hai tỷ USD, tăng 10,3%; Nhật Bản đạt 1,89 tỷ USD, tăng 5,20%; Hàn Quốc đạt 1,63 tỷ USD, tăng 4,6%,… Trước kia, lượng đơn hàng về khá dồi dào, nhưng hiện tại không đạt như kỳ vọng, khiến nhóm DN sợi phải sản xuất cầm chừng, mục tiêu là giải quyết hết sợi tồn kho. Các DN nhóm may, do tâm lý của các nhà nhập khẩu tại các thị trường lớn đang chờ đợi, xem xét diễn biến thị trường, do vậy cũng đặt lượng đơn hàng rất nhỏ lẻ với số lượng ít, thời gian ngắn. Ðiều này dẫn đến tình trạng các DN may lớn mới có đơn hàng hết quý III, còn các DN quy mô nhỏ đang gặp khó khăn về đơn hàng, chủ yếu sản xuất cầm chừng hoặc để trống dây chuyền.

Tương tự, quyền Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðồng Tiến (Dovitec) Nguyễn Văn Hoàng cho biết thêm, lượng đơn hàng của đơn vị đã ký đến hết tháng 9 và đang đàm phán, ký hợp đồng với các đối tác đến hết năm. Trong sáu tháng qua, công ty xuất khẩu sản phẩm đạt khoảng 45% so với kế hoạch (cả năm dự kiến đạt 2.100 tỷ đồng). Mặc dù mục tiêu xuất khẩu đạt được tương đương năm 2018, nhưng DN cũng phải đối mặt với một số khó khăn như giá đơn hàng giảm, biến động về nhân công khiến DN gặp khó khăn trên thị trường. Tuy nhiên, do đặc thù hàng dệt may xuất khẩu thường dồn vào dịp cuối năm cho nên mục tiêu đặt ra chắc chắn sẽ hoàn thành, qua đó bảo đảm việc làm cho gần 10 nghìn người lao động, với mức thu nhập bình quân đạt 9,2 triệu đồng/người/tháng.

Sản xuất vải chất lượng cao tại Công ty cổ phần Dệt kim Đông Xuân.

 

Không gặp khó khăn như những DN khác, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HÐQT) Công ty cổ phần Ðầu tư và Thương mại TNG (đơn vị sở hữu chuỗi thời trang TNG) Nguyễn Văn Thời cho biết, do có lượng khách hàng ổn định đã tạo điều kiện để sản phẩm xuất khẩu của đơn vị tăng cao, với kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đạt 130 triệu USD, bằng 61,9% kế hoạch năm (mục tiêu cả năm đạt 210 triệu USD). Trong đó, những thị trường xuất khẩu chính, đạt mức tăng trưởng cao như: Mỹ, các nước trong Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EU, Nga,… Về lượng đơn hàng, công ty đã ký hợp đồng với các đối tác đến hết năm, thậm chí có đơn vị đang đàm phán và ký hợp đồng cho mùa vụ năm sau. Tín hiệu thị trường xuất khẩu trong những tháng tới rất khả quan, tạo tiền đề để ngành dệt may Việt Nam hoàn thành kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc cũng đang tạo điều kiện cho các DN nội địa bứt phá, mở rộng thị trường khi một số nhà đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam đặt hàng, mở rộng sản xuất.

Chủ động trước diễn biến của thị trường

Bên cạnh những thị trường truyền thống, thời gian qua Việt Nam đã ký và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, Việt Nam – EU (EVFTA)…, tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường mới. Ðề cập tới vấn đề này, Giám đốc điều hành Vinatex Cao Hữu Hiếu khẳng định, việc mở rộng thị trường mới nhằm ngăn ngừa rủi ro từ sự biến động của các thị trường truyền thống cũng được các DN đặc biệt chú trọng. Ðồng thời đòi hỏi DN phải thành lập được các liên kết từ nguyên phụ liệu, sử dụng sản phẩm theo chuỗi hướng tới mục tiêu cùng nâng cao chất lượng cũng như giá bán. Xuất khẩu theo hướng FOB (chỉ định nguyên liệu đầu vào), ODM (đơn hàng trọn gói theo quy trình khép kín từ cung cấp vải – thiết kế – may – giặt ủi – hoàn tất), chứ không giới hạn ở may gia công mang lại lợi nhuận thấp. DN phải chủ động nâng cao khả năng cạnh tranh, trong đó tập trung các biện pháp như: cắt giảm chi phí đầu vào, tối ưu hóa, chuẩn hóa quy trình sản xuất, quy trình quản lý theo thực trạng của DN, đẩy mạnh áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới mục tiêu biến nhà máy sản xuất thông thường thành nhà máy sản xuất thông minh, hạn chế lãng phí nguồn lực…

Cùng chung quan điểm, Chủ tịch HÐQT Công ty TNG Nguyễn Văn Thời cho biết, công ty đang dự kiến mở thêm một vài nhà máy ở vùng cao với mục tiêu tạo việc làm cho người lao động, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu cho DN. Thế nhưng, muốn tăng giá trị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, DN phải làm được hàng FOB, ODM cũng như phải ứng dụng được công nghệ hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất lao động, giá trị sản phẩm. Quyền Tổng Giám đốc Dovitec Nguyễn Văn Hoàng cho biết thêm, bên cạnh sự nỗ lực của các DN, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, giảm các thủ tục hành chính, các loại phí, lệ phí,… nhằm tạo điều kiện để DN phát triển. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước là tốt, tuy nhiên, chưa thể giám sát, kiểm soát được các “chiêu trò” của các DN đầu tư nước ngoài như trốn thuế, chuyển giá…, không chỉ gây thất thu đối với ngân sách nhà nước mà còn tạo sự cạnh tranh không công bằng giữa các DN. Do đó, Nhà nước phải tăng cường kiểm soát, có những biện pháp xử lý kịp thời nhằm trả lại sự cạnh tranh công bằng giữa các DN.

Ðối với Việt Nam, DN rất kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp và chính sách thích hợp, cụ thể khuyến khích phát triển ngành, tập trung khuyến khích phát triển các khâu, các mắt xích mà ngành dệt may Việt Nam còn yếu kém. Bên cạnh đó, giá điện, giá nhân công cũng cần phải được quan tâm sát sao hơn nữa nhằm tránh gây áp lực tăng giá cho DN cả nước nói chung và DN dệt may nói riêng. Theo Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường, muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, bắt buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, các chỉ số không do DN quản lý mà thuộc về Nhà nước quản lý cũng cần tiệm cận với những quốc gia Việt Nam đang phải cạnh tranh, từ đó sẽ tạo nên uy tín, thương hiệu tốt, hỗ trợ DN hội nhập và phát triển trên thị trường thế giới.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của ngành dệt may Việt Nam trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đóng góp rất lớn vào việc giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, để ngành dệt may Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Nhà nước cần có chiến lược phát triển, quy hoạch ngành với tầm nhìn dài hạn. Trong đó, phải xây dựng được vùng nguyên phụ liệu; quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn, tránh chồng chéo, nâng cấp hạ tầng; hỗ trợ vốn ODA cho xử lý nước thải; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo dệt may,… Ðây là những yếu tố bổ trợ, tạo tiền đề để ngành dệt may Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.

Xuất khẩu của các DN nhóm sợi phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, do ngành sợi của Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất khi có tới hơn 70% sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong trường hợp cuộc chiến thương mại giữa hai nước không được cải thiện, bức tranh xuất khẩu của DN sợi và các đơn hàng của DN may sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Do đó, các DN phải nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Cao Hữu Hiếu
Giám đốc điều hành Vinatex

Theo Nhandan