Thứ sáu,  20/09/2024

Trăn trở đầu ra cho thạch đen Tràng Định

LSO-Thạch đen là một trong những sản phẩm nông sản có kim ngạch xuất khẩu hằng năm tương đối cao của tỉnh. Trước việc siết chặt quản lý chất lượng của Trung Quốc, các cấp, ngành chức năng đang loay hoay tìm hướng xuất khẩu cho mặt hàng này.


Thạch đen chất đống tại các kho thu mua ở Tràng Định chờ được xuất khẩu

Tồn 7.000 tấn thạch khô

Thạch đen là cây trồng chủ lực, được trồng tại 23/23 xã, thị trấn ở huyện Tràng Định. Trung bình mỗi năm, nông dân trên địa bàn huyện trồng từ 1.200 – 2.000 ha, đạt tổng sản lượng trên dưới 10.000 tấn, đem lại giá trị kinh tế trên 200 tỷ đồng.

Hằng năm, trên 90% khối lượng thạch đen khô được xuất khẩu sang Trung Quốc với kim ngạch đạt từ 7 đến 8 triệu USD, là một trong những sản phẩm nông sản có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao của tỉnh. Khối lượng còn lại được tiêu thụ nội địa và xuất bán sang Lào, Thái Lan.

Từ giữa năm ngoái, lực lượng chức năng phía Trung Quốc thắt chặt quản lý chất lượng hàng nông sản nên việc xuất khẩu thạch đen khô gặp nhiều khó khăn. Cụ thể thay vì được xuất nhập khẩu bằng hình thức trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới như trước thì từ ngày 1/9/2018, mặt hàng này không được nhập khẩu vào Trung Quốc nếu không nằm trong danh mục hàng nông sản của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.

Sau những cố gắng của các cấp, ngành chức năng hai bên, cuối năm 2018, một phần khối lượng thạch đen khô được xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng qua đường tiểu ngạch và diễn ra trong ít ngày. Sau đó sản phẩm nông sản này lại nhanh chóng bị cấm nhập khẩu vào Trung Quốc.

Ông Lý Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Do khó khăn về xuất khẩu nên 6 tháng đầu năm 2019, cả huyện Tràng Định mới xuất khẩu được 1.000 tấn thạch đen khô, đạt kim ngạch 1 triệu USD, chỉ bằng 12,5% khối lượng và kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm 2018. Hiện tại trên địa bàn còn tồn khoảng 7.000 tấn thạch khô chưa tiêu thụ được. Giá thu mua chỉ từ 20.000 đến 27.000 đồng/kg thạch khô, giảm từ 5 – 10 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Lùng bùng các giải pháp gỡ khó

Năm 2017, sản phẩm thạch đen Tràng Định được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên chỉ thế chưa đủ điều kiện để sản phẩm này được xuất khẩu chính thức vào thị trường Trung Quốc mà bắt buộc sản phẩm này phải có đầy đủ thông tin, nguồn gốc, xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói, kết quả kiểm nghiệm chất lượng và nằm trong danh mục hàng nông sản đã đăng ký mã hàng nhập khẩu vào Trung Quốc.

Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Để đáp ứng được các điều kiện trên, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ thạch vì có nhiều nội dung, nhiệm vụ liên quan đến các cấp, ngành từ trung ương đến tỉnh mới giải quyết được.

Cuối năm 2018, song song với việc chỉ đạo các sở, ngành liên quan thì UBND tỉnh Lạng Sơn có Công văn 1271/UBND-KTTH ngày 21/12/2018 đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc trong xuất khẩu thạch đen. Tuy nhiên, đến nay, Bộ NN&PTNT chưa có chỉ đạo cụ thể về việc đăng ký truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch theo yêu cầu của phía Trung Quốc để các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.

Theo chức năng, nhiệm vụ, Sở Công thương, Sở NN&PTNT Lạng Sơn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đàm phán với chính quyền thị Bằng Tường, huyện Long Châu (Quảng Tây) và cơ quan chức năng phía Trung Quốc về việc tạo điều kiện cho phép nhập khẩu mặt hàng thạch đen. Tuy nhiên, đến nay thạch đen vẫn chưa được Trung Quốc cho phép nhập khẩu.

Đến thời điểm này, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng chưa cung cấp cho cơ quan chức năng ở Việt Nam những thông tin về yêu cầu cụ thể để mặt hàng thạch đen đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu. Cùng đó, hồ sơ trình đăng ký mã ngạch cho sản phẩm thạch đen của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc cũng chưa được hoàn tất gửi đến cấp có thẩm quyền phía Trung Quốc. Tại huyện Tràng Định cũng chưa có mô hình sản xuất thạch đen nào áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.

Ông Từ Trọng Hiếu, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định cho biết: Để “giải cứu” thạch đen, các hộ kinh doanh trên địa bàn huyện đang tự nỗ lực bằng cách tranh thủ cơ chính sách biên mậu của từng vùng như ở Cao Bằng hoặc Hải Phòng để tìm đường xuất khẩu thạch đen bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, việc xuất bán không ổn định và số lượng rất ít.

Như vậy có thể thấy cho đến thời điểm hiện tại chưa có tín hiệu khả quan trong việc xuất khẩu chính thức mặt hàng thạch đen sang Trung Quốc. Hộ sản xuất, kinh doanh thạch ở Tràng Định vẫn đang mòn mỏi trông chờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành liên quan để sản phẩm này được xuất khẩu thuận lợi.

HÀ MY - HOÀNG CƯỜNG