Thứ sáu,  20/09/2024

Thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn xây dựng cơ bản

(LSO) – Mặc dù các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2019 được tỉnh phân bổ kế hoạch vốn cho các chủ đầu tư, đơn vị khá sớm, nhưng đến hết 6 tháng đầu năm 2019, việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư vẫn chậm so với yêu cầu.

Trong năm 2019, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn năm 2019 do tỉnh quản lý hơn 2.540 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết 6 tháng đầu năm 2019, các chủ đầu tư và các đơn vị được giao quản lý nguồn vốn thực hiện dự án mới thực hiện giải ngân được 1.204 tỷ đồng/2.540 tỷ đồng, tương đương 47,4% kế hoạch.

Bê tông đường đến trung tâm xã Tân Yên, huyện Tràng Định

Ông Đặng Văn Thương, Trưởng Phòng Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước tỉnh cho biết: Thực hiện công văn số 1342 ngày 5/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 và công văn số 1992 ngày 12/3/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, các chủ đầu tư liên quan rà soát, khẩn trương nhập thông tin trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) để thực hiện thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện. Đồng thời, phối hợp các ngành liên quan xử lý  vướng mắc phát sinh, hướng dẫn quy trình, thủ tục thanh toán. Mặc dù vậy, tiến độ giải ngân một số nguồn vốn vẫn rất chậm.

Qua thực tế theo dõi và tìm hiểu cho thấy: giải ngân chậm do một số chủ đầu tư thực hiện các dự án thuộc danh mục nhóm C ở khâu chuẩn bị đầu tư còn xảy ra nhiều sai sót. Hồ sơ dự án phải chỉnh sửa, dẫn đến chậm khởi công, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải ngân nguồn vốn. Riêng thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, tính đến hết tháng 6/2019, các huyện, thành phố còn tới 31 dự án chưa khởi công do phải chỉnh sửa hồ sơ chuẩn bị đầu tư. Được biết, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia hiện mới giải ngân được 300 tỷ đồng, đạt 45,2% kế hoạch vốn giao.

Thi công công trình cầu Lramp tại huyện Đình Lập

Ngoài nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, một số nguồn vốn khác giải ngân đạt rất thấp như: vốn thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng theo Quyết định 53 của UBND tỉnh giải ngân được 19,6 tỷ đồng, đạt 21,7% kế hoạch; vốn thu từ xổ số kiến thiết giải ngân được 2,9 tỷ đồng, đạt 26,8% kế hoạch; vốn ODA vay lại giải ngân được 4,5 tỷ đồng, đạt 18,6% kế hoạch; vốn ODA giải ngân được 89 tỷ đồng, tương đương 27,4% kế hoạch.

Các dự án ODA giải ngân đạt thấp do một số công trình trong 6 tháng đầu năm mới triển khai các thủ tục đầu tư, chưa có khối lượng hoàn thành; hoặc dự án ODA đến nay chưa được phân bổ chi tiết vốn từ trung ương khiến tiến độ giải ngân thanh toán bị chậm.

Không chỉ các nguồn vốn được ghi kế hoạch trong năm 2019, một số nguồn vốn được điều chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019 tiến độ giải ngân cũng chậm.

Tổng vốn chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019 là hơn 355 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 6/2019 mới giải ngân được 118 tỷ đồng, tương đương 33% kế hoạch. Nguyên nhân chính là các chủ đầu tư chưa thực hiện nghiệm thu khối lượng để giải ngân thanh toán.

Để hoàn thành giải ngân theo kế hoạch, ông Hà Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị được giao kế hoạch vốn tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách có vai trò thúc đẩy, tạo động lực cho phát triển kinh tế; khu kinh tế cửa khẩu; công trình nông thôn mới… Khi phát sinh khối lượng, các chủ đầu tư khẩn trương cùng các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu để làm căn cứ giải ngân các nguồn vốn. Đối với các dự án, công trình chủ đầu tư đã tạm ứng cho các nhà thầu khi thực hiện ký kết hợp đồng thi công;  khẩn trương hoàn thiện thủ tục để hoàn ứng theo đúng quy định.

Ngoài ra, các sở, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án cũng như giải ngân thanh toán vốn đầu tư công.

TRANG NINH


Bám sát từng công trình để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân dự án

(LSO) – Giải ngân vốn đầu tư xây dựng các công trình là trách nhiệm của từng đơn vị được giao quản lý nguồn vốn thực hiện dự án. Phóng viên Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh; lãnh đạo Ban Quản lý dự án thành phố và lãnh đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Cao Lộc về giải pháp thúc đẩy việc giải ngân vốn các công trình được giao.

Ông Lăng Văn Thạu, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh: “Tập trung bám sát từng công trình trọng điểm để hoàn thành giải ngân”.

Năm 2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được giao chủ đầu tư 2 dự án gồm: đường đến trung tâm các xã Xuân Dương – Ái Quốc (huyện Lộc Bình) và xã Thái Bình (huyện Đình Lập); đường đến trung tâm xã Tân Yên, huyện Tràng Định. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các dự án này sẽ phải hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2019. Để hoàn thành nhiệm vụ, ban đang phối hợp với UBND các huyện: Lộc Bình, Bình Gia khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong quý III/2019. Về triển khai thi công, 2 dự án đang vào giai đoạn nước rút, ban đã bám sát từng công trình để đôn đốc các nhà thầu tập trung thi công các hạng mục theo kế hoạch. Song song với đó, khối lượng tăng thêm đến đâu thì hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu để giải ngân đến đó. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2019 giải ngân xong toàn bộ (khoảng 200 tỷ đồng) kế hoạch còn tồn trong 6 tháng cuối năm.

Ông Hoàng Hồng Nguyên, Phó Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Cao Lộc: “Quyết tâm hoàn thành giải ngân các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia”.

Trong năm 2019, huyện Cao Lộc được giao kế hoạch vốn hơn 22 tỷ đồng triển khai khởi công mới 28 công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 8 công trình với kế hoạch vốn giao 16,9 tỷ đồng; vốn chương trình giảm nghèo bền vững 20 công trình với kế hoạch vốn giao 5,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân mới đạt 13,8 tỷ đồng, tương đương 60% kế hoạch và còn tới 9 công trình chưa giải ngân. Thời gian thực hiện các dự án không còn nhiều, huyện đang đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là các công trình khởi công mới, phấn đấu hoàn thành trước tháng 12/2019. Song song với đó, huyện yêu cầu chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án huyện khi phát sinh khối lượng thực hiện hoàn thiện thủ tục nghiệm thu để giải ngân. Huyện quyết tâm hoàn thành công tác giải ngân nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia trong tháng 12/2019.

Bà Nguyễn Thị Hương Sen, Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phố Lạng Sơn: “Dồn lực giải ngân vốn cho công tác giải phóng mặt bằng”.

Năm 2019, thành phố được giao quản lý gần 200 tỷ đồng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Trong đó có 4 dự án giải phóng mặt bằng với kế hoạch vốn giao hơn 43 tỷ đồng để tạo quỹ đất thương mại, tạo nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển của thành phố. Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án thành phố bám sát chỉ đạo của UBND thành phố, phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đẩy nhanh tiến độ đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án này. Theo kế hoạch, trong tháng 8 và tháng 9/2019 sẽ hoàn thành lập phương án, niêm yết công khai để chi trả cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng bám sát từng dự án để nắm bắt thông tin về những vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng, từ đó có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Dự kiến công tác giải ngân các dự án giải phóng mặt bằng này sẽ hoàn thành trong tháng 11/2019.

 CÔNG QUÂN – TRÍ DŨNG