Thứ sáu,  20/09/2024
Tín dụng giải quyết việc làm:

“Bà đỡ” cho người dân thành phố

LSO-Những năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) được ví như “bà đỡ” giúp hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn thành phố Lạng Sơn mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm mới, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.


Gia đình bà Vũ Thị Yến đầu tư mở rộng cửa hàng tạp hóa từ
nguồn vốn vay giải quyết việc làm

Có mặt tại quầy hàng tạp hóa của bà Vũ Thị Yến tại chợ Chi Lăng, ít ai biết rằng trước đây bà không có công việc ổn định, kinh tế gia đình rất khó khăn. Bà Yến chia sẻ: Năm 1990, tôi thuê quầy bán hàng ở chợ Chi Lăng, nhưng số vốn ít ỏi nên chỉ bán số lượng ít. Đến năm 2005, được sự tư vấn của Hội Phụ nữ phường, tôi được vay vốn chương trình GQVL của NHCSXH để mở rộng quy mô, từ đó đến nay, cứ trả tiền vay cho ngân hàng tôi lại làm hồ sơ xin vay mới để có vốn quay vòng. Nhờ có nguồn vốn chương trình, đến nay, các mặt hàng tại cửa hàng tôi đã tăng gấp 3 lần so với lúc mới mở, thu lãi trên 10 triệu đồng/tháng (tăng gấp đôi so với lúc mới có cửa hàng).

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Chi Lăng cho biết: Hiện nay, tổng dư nợ chương trình cho vay GQVL trên địa bàn phường là 7,1 tỷ đồng, với 266 hộ vay. Đây là chương trình phát huy hiệu quả nhất hiện nay, nguồn vốn của chương trình đã tạo điều kiện để các hộ phát triển chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả, nhờ đó đời sống người dân không ngừng được cải thiện.

Không chỉ phường Chi Lăng, mà hiện nay tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố đều phát huy hiệu quả nguồn vốn chương trình tín dụng cho vay GQVL. Theo tìm hiểu thực tế, chúng tôi đều nhận thấy sự phấn khởi của người dân thành phố khi nói về hiệu quả chương trình, bởi nhờ lãi suất vay ưu đãi (bằng lãi suất cho vay hộ nghèo; từ năm 2015 đến nay, mức vay tăng từ 20 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ đã giúp các hộ có điều kiện thuận lợi trong đầu tư sản xuất, tạo việc làm mới).

Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay GQVL trên địa bàn thành phố là hơn 36,8 tỷ đồng, với 1.276 hộ đang sử dụng vốn, đạt dư nợ lớn nhất toàn tỉnh. Trong đó, người dân chủ yếu tập trung vay phát triển kinh doanh, làm dịch vụ, chăn nuôi, trồng rừng…

Có thể nói, nguồn vốn vay chương trình GQVL là một trong những kênh quan trọng giúp người dân phát triển kinh tế, hỗ trợ tạo việc làm mới. Để có hiệu quả đó, những năm qua, NHCSXH đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Bà Quách Thanh Huyền, Phó trưởng Phòng Kế hoạch –  nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh, phụ trách triển khai công tác tín dụng trên địa bàn thành phố cho biết: Hằng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn cho các xã, phường. Đồng thời, chỉ đạo các thôn, khối phố tổ chức họp dân, bình xét đối tượng vay vốn công khai, chặt chẽ. Bên cạnh đó tuyên truyền, kiểm tra các hộ vay nhằm giúp các hộ sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Kể từ năm 2002, khi chương trình vay vốn GQVL được thực hiện đến nay, đã tạo việc làm cho hơn 4.500 lao động trên địa bàn thành phố, góp phần giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Từ thực tế nhu cầu vay vốn GQVL của người dân rất lớn (bởi địa bàn thành phố tỷ lệ hộ nghèo thấp, chủ yếu là các hộ vay để kinh doanh), NHCSXH đã làm tốt công tác thu nợ đến hạn để giải ngân kịp thời cho vay, doanh số thu nợ từ đầu năm đến nay đạt 14,8 tỷ đồng. Ngoài ra, hằng năm, NHCSXH đã sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang để cho vay GQVL. Cụ thể, năm 2019, UBND thành phố Lạng Sơn chuyển sang 600 triệu đồng, NHCSXH đã thực hiện giải ngân cho vay.

Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Những năm qua, chương trình cho vay GQVL trên địa bàn thành phố đã phát huy hiệu quả cao, tuy nhiên, nguồn vốn này còn hạn chế, hằng năm, ngân sách Trung ương, tỉnh, thành phố bổ sung cho nguồn vốn này rất ít, chủ yếu quay vòng vốn cũ trong khi nhu cầu vay thực tế của người dân rất lớn nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Thời gian tới, NHCSXH tỉnh sẽ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh cấp thêm nguồn vốn cho chương trình GQVL để các huyện, thành phố (thành phố là địa bàn có nhu cầu sử dụng vốn chương trình nhiều nhất) thực hiện tốt mục tiêu tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.

 KIM HUYÊN