Thứ sáu,  20/09/2024

Chiến Thắng: Lãng phí công trình chợ

(LSO) – Hơn 20 năm đi vào hoạt động, chợ xã Chiến Thắng (huyện Chi Lăng) chỉ họp 4 lần/năm vào ngày hội truyền thống của xã. Ngày khác, chợ bỏ trống hoặc lác đác một hai quầy hàng.

Chiếc bàn nhôm dài mét hai của anh Vi Văn Dũng (thôn Nà Lầm) đặt ở ngay chính giữa đường vào chợ. Hàng hóa trên bàn vỏn vẹn có 1 lọ cà muối, 1 rổ hành, tỏi khô và 1 thùng đậu phụ. Bên ngoài bàn có ghi mấy chữ “Rau + Dưa + Cà” và số điện thoại để người mua tiện liên hệ. Anh lí giải: “Hàng họ ế ẩm, tôi tranh thủ làm việc khác, không phải lúc nào cũng ngồi ở đây nên phải ghi số điện thoại để khách cần thì gọi”.

Cạnh anh Dũng là hàng nước của anh Nông Văn Mười (thôn Nà Pất), được đánh dấu bằng các tấm tôn vây xung quanh. Bên trong, vài ba thanh niên ngồi uống nước, tay cầm điện thoại chơi game. Cốc chén ngổn ngang với đồ dùng sinh hoạt của vợ chồng chủ quán. Các tấm bạt quây bên ngoài quán làm cho khu chợ đã xuống cấp càng thêm lụp xụp, nhếch nhác.

Hơn 20 năm đi vào hoạt động, chợ xã Chiến Thắng vẫn vắng vẻ và ngày càng xuống cấp

Hàng quán đơn điệu nhưng dù sao anh Dũng và anh Mười cũng là hai hộ kiên trì nhất, bám trụ được với chợ lâu nhất (từ năm 2015 đến nay). Trước đó, có thời gian, chợ còn được các gia đình ở gần đó sử dụng với chức năng nhốt trâu, bò, dê… rất mất vệ sinh và thiếu mỹ quan.

Được biết, chợ xã Chiến Thắng được khởi công năm 1997 do UBND huyện làm chủ đầu tư với mục đích phát triển giao lưu hàng hóa giữa Chiến Thắng và các xã lân cận, hạn chế tình trạng dân bỏ ruộng, đất đi các tỉnh khác làm ăn. Năm 1998, chợ được hoàn thiện, đưa vào sử dụng với tổng diện tích 2.397 m2, trong đó có 3 dãy nhà 540 m2 với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng.

Từ đó đến nay, mặc dù cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân ra chợ mua bán hàng hóa (như: thành lập ban quản lý, ấn định ngày họp chợ, thông báo đến toàn thể nhân dân) nhưng chưa có hiệu quả. Năm 2015, xã vận động được 7 hộ đăng ký kinh doanh tại chợ. Sau vài ba tháng vắng khách, các hàng quán thưa dần, đến nay chỉ còn 2 hộ.

Ông Linh Văn Quý, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có 778 hộ với hơn 3.900 khẩu nhưng chỉ có khoảng 20 hộ buôn bán nhỏ lẻ tại nhà hoặc nông sản tại các phiên chợ ở thành phố Lạng Sơn. Do giao thông thuận lợi, chỉ mất khoảng 15 – 20 phút là ra đến trung tâm thành phố nên người dân không có nhu cầu họp chợ tại xã.

Người dân không có nhu cầu khiến cho chợ xã Chiến Thắng xây xong đã hơn 20 năm vẫn không hoạt động. Đây là một bài học về đầu tư xây dựng tràn lan, không căn cứ vào điều kiện thực tế. Và việc chuyển đổi mục đích sử dụng là giải pháp hợp lý để tránh lãng phí tài sản công.

Theo lộ trình, xã Chiến Thắng và Vân An sẽ sáp nhập thành một (giai đoạn 2020 – 2025). Vì thế, Chiến Thắng cần có một nhà văn hóa đủ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng dân cư 2 xã. Sau khi khảo sát thực tế công trình chợ xã Chiến Thắng, tháng 1/2019, UBND huyện đã xin chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy đề xuất phương án cải tạo, sửa chữa chợ xã Chiến Thắng làm nhà văn hóa xã.

Ông Vi Nông Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng khẳng định: Chuyển đổi mục đích sử dụng đối với công trình chợ xã Chiến Thắng là nhu cầu thiết thực. Sau khi khảo sát thực tế, xin chủ trương và được sự ủng hộ của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã giao cho phòng chức năng xây dựng phương án thiết kế, hoàn thiện các thủ tục đầu tư để tiến hành sửa chữa chợ xã Chiến Thắng ngay trong quý 3/2019.

MINH NGỌC