Thứ năm,  19/09/2024

UBND tỉnh xem xét vướng mắc thẩm định dự toán thiết bị thu phí trên tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn

LSO-Sáng nay (19/9), đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp xem xét vướng mắc trong việc thẩm định dự toán thiết bị thu phí và bố trí lắp đặt hệ thống thiết bị thu phí trên tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (dự án thành phần 1) đoạn thành phố Bắc Giang-Chi Lăng.


Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi họp

Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (dự án thành phần 1) đoạn thành phố Bắc Giang – Chi Lăng có chiều dài hơn 63 km, dự kiến đưa vào khai thác và thực hiện thu phí trên tuyến từ ngày 1/1/2020.

Dự án được thiết kế 5 trạm với 34 cửa thu phí, thực hiện thu phí kín trên tuyến cao tốc. Trong đó có 1 trạm thu phí chính tại km 104 địa phận tỉnh Bắc Giang, 1 trạm thu phí phụ tại km 45 thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng và 3 trạm thu phí nhánh tại km 94+770 kết nối quốc lộ 37 tỉnh Bắc Giang, tại km 81+ 140 kết nối đường tỉnh 242 thuộc huyện Hữu Lũng và tại km 56 kết nối quốc lộ 279 thuộc huyện Chi Lăng.

Theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31/12/2019, tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc phải thực hiện thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC), trong đó có dự án cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn.

Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị các điều kiện để lắp đặt thiết bị phục vụ thu phí thì dự toán chi phí cũng như phương án công nghệ phục vụ cho việc thu phí có giá trị cao bất thường.

Theo dự toán của Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn trình UBND tỉnh tổng chi phí lắp đặt tại 34 cửa thu phí tại 5 trạm lên tới hơn 297 tỷ đồng (bình quân 8,7 tỷ đồng cho 1 cửa thu phí). Trong khi đó, các trạm thu phí trên toàn quốc do Tổng cục Đường bộ đã phê duyệt khoảng 4,5 tỷ đồng/cửa thu phí.

Ngoài ra, phương án lắp đặt thiết bị thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng hoặc hỗn hợp giữa nhà đầu tư và Sở Giao thông – Vận tải Lạng Sơn tại các trạm vẫn chưa thống nhất.

Thảo luận tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này, đại diện các sở, ngành của tỉnh đều thống nhất phải ưu tiên phương án lắp đặt thiết bị để phục vụ thu phí điện tử tự động không dừng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, việc thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng cũng cần có lộ trình cụ thể để đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương. Dự toán kinh phí cho chi phí thiết bị cũng cần xem xét lại bảo đảm phù hợp, sát thực tế.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Phương án lắp đặt thiết bị các cửa thu phí tại các trạm được thực hiện như sau: trên tuyến chính cao tốc đặt tại km 104 thực hiện lắp đặt 6 cửa thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) và 6 cửa hỗn hợp (ETC và MTC). Tại trạm km 45 lắp đặt 2 cửa ETC và 3 cửa hỗn hợp; tại km 56 lắp đặt 3 cửa ETC và 3 cửa hỗn hợp; tại km 81+140 lắp đặt 3 cửa ETC và 2 cửa hỗn hợp; tại km 94+770 lắp đặt 3 cửa ETC và 3 cửa hỗn hợp.

Nhà đầu tư có trách nhiệm công khai, minh bạch trong việc lắp đặt thiết bị hiệu quả nhất. Về phương án dự toán giá thiết bị, đồng chí yêu cầu Sở Tài chính chủ động rà soát lại theo đúng quy định và tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định giá của tỉnh trong tháng 9/2019, từ đó đưa ra kết quả cuối cùng, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

TRANG NINH