Thứ sáu,  20/09/2024

Đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân

(LSO) – Hiện Công ty Điện lực Lạng Sơn (công ty) quản lý, vận hành trên 2.700 km đường dây cao áp (gồm lưới 10 kV, 22 kV, 35 kV). Thời gian qua, số vụ vi phạm do người dân chặt cây đổ vào đường dây dẫn đến sự cố gây mất điện ngày càng tăng. Nhằm khắc phục tình trạng trên cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc chỉ đạo, quán triệt nâng cao nhận thức người dân nhằm đảm bảo an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn.

Số vụ vi phạm tăng

Vào hồi 15 giờ 20 phút ngày 22/10/2019, tại khu vực thôn Nà Dừa, xã Tĩnh Bắc (Lộc Bình) xảy ra sự cố trên đường dây 35 kV, gây mất điện tại các xã: Tú Mịch, Tú Đoạn, Tĩnh Bắc, Tam Gia (huyện Lộc Bình), xã Bính Xá (huyện Đình Lập). Nguyên nhân dẫn đến sự cố gây mất điện do ông Vi Văn Dôn, thôn Bản Cẳng, xã Khuất Xá (Lộc Bình) chặt cây, do không quan sát kỹ và không sử dụng dây chằng néo nên khi cây đổ đã va vào đường dây 35 kV dẫn đến sự cố gây mất điện. Mặc dù sự cố không gây thiệt hại về người, nhưng làm mất điện diện rộng tại các xã như trên với thời gian mất điện là 37 phút. Vì vậy, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Công nhân Điện lực Lộc Bình phối hợp tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cho người dân tại xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình

Ông Đàm Văn Phủ, Giám đốc Điện lực Lộc Bình cho biết: Nếu người dân khi chặt cây có thông báo trước với điện lực để được hỗ trợ thì hoàn toàn có thể tránh được các vụ chặt cây đổ vào đường dây. Hiện nay điện lực quản lý, vận hành hệ thống điện trên địa bàn các huyện: Lộc Bình, Đình Lập; với đặc điểm lưới điện cao áp trải dài đi qua nhiều đồi rừng, tình trạng người dân chặt cây đổ vào đường dây cao áp ngày càng tăng. Từ đầu năm 2019 đến nay, địa bàn do đơn vị quản lý xảy ra 6 vụ do người dân chặt cây đổ vào đường dây, gây sự cố mất điện, tăng 5 vụ so với cùng kỳ  năm 2018.

Không chỉ tại Lộc Bình, Đình Lập sự cố mất điện do người dân chặt cây đổ vào đường dây xảy ra ở nhiều huyện trong tỉnh. Mặc dù không có thiệt hại về người, song thời gian sự cố mất điện trên diện rộng, có vụ thời gian mất điện cao nhất lên đến 4 giờ đồng hồ. Theo thống kê của công ty, từ đầu năm 2019 đến nay, số vụ do người dân chặt cây đổ vào đường dây cao áp dẫn đến sự cố mất điện trên địa bàn tỉnh là 21 vụ, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm 2018.

   Tăng cường tuyên truyền

Để hạn chế các vi phạm về an toàn hành lang lưới điện nói chung và an toàn hành lang lưới điện cao áp nói riêng, thời gian qua, công ty đã triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định 14/2014/NĐ-CP về “Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện”; đặt trên 220 tấm pa-nô, áp phích, phát 16.000 tờ rơi tuyên truyền; tổ chức cho người dân có đồi rừng không để vi phạm an toàn hành lang lưới điện;….

Ông Hoàng Văn Công, Phó trưởng Phòng An toàn – Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Thực tế, thời gian qua, ý thức chấp hành nghị định của Chính phủ về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp của người dân chưa cao, còn tình trạng người dân trồng rừng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp; chủ rừng có đường dây cao áp đi qua chưa hợp tác với ngành điện trong việc chặt, tỉa, phát quang hành lang tuyến, gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành. Cùng với đó, mặc dù cấp chính quyền ở cơ sở đã vào cuộc trong quán triệt đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp nhưng một số nơi chưa thực sự quyết liệt.

Để đảm bảo an toàn lưới điện cao áp, tránh xảy ra các sự cố, ngoài việc triển khai các biện pháp của ngành điện, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền trong quán triệt, tuyên truyền người dân thực hiện có hiệu quả Nghị định 14/2014/NĐ-CP về bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp, không vi phạm hành lang lưới điện. Đặc biệt, tuyên truyền người dân không trồng cây vi phạm hành lang và không tự chặt cây có nguy cơ đổ vào đường dây, nếu chặt thì phải thông báo với  điện lực trước 5 ngày để được hỗ trợ thực hiện các biện pháp an toàn trước khi chặt cây.

Theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện: đối với đường dây 110 kV, khoảng cách từ dây ngoài cùng về hai phía là 4 m; đối với đường dây 10 kV, 22 kV thì khoảng cách như trên là 1 m đối với dây bọc và 2 m đối với dây trần; đối với đường dây 35 kV khoảng cách như trên là 1,5 m đối với dây bọc và 3 m đối với dây trần. Theo ý b, khoản 1, Điều 15, Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ: nếu chặt cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện sẽ bị xử phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Theo ý c, khoản 3, Điều 15, Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ: nếu chặt cây để đổ vào đường dây điện, trạm điện sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

 

ĐỖ HOẠT