Thứ sáu,  20/09/2024

Cựu chiến binh thi đua phát triển kinh tế

(LSO) – Thời gian qua, các hoạt động và phong trào thi đua do Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh phát động ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu, được hội viên hưởng ứng mạnh mẽ. Nổi bật trong đó là phong trào CCB thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 35.900 hội viên CCB sinh hoạt tại hơn 2.000 chi hội. Ông Trần Văn Vẩn, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Để phong trào CCB thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng được lan tỏa, các cấp hội luôn quan tâm tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như hình thức sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế; tham quan các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh…

CCB phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn với mô hình nuôi ong, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Trong năm 2019, Hội CCB tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tạo điều kiện cho gần 3.600 hộ vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ qua kênh này là hơn 409 tỷ đồng. Công tác kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay cũng được hội chú trọng; qua kiểm tra không có trường hợp sử dụng vốn sai mục đích, xâm tiêu hoặc chiếm dụng vốn.

Đồng thời, trong năm, hội đã tổ chức được trên 70 lớp tập huấn kiến thức làm kinh tế, công tác khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, thu hút hơn 3.500 lượt cán bộ, hội viên tham dự.

Qua đó giúp hội viên CCB nâng cao nhận thức, tiếp cận với tiến bộ khoa học – kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.260 mô hình sản xuất, kinh doanh do hội viên CCB làm chủ. Trong đó có 130 doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo việc làm cho trên 1.100 lao động; 484 hộ kinh doanh dịch vụ; có 619 trang trại, gia trại, tạo việc làm cho 1.490 lao động…

Một số mô hình có doanh thu lớn như: mô hình kinh doanh vận tải và vật liệu xây dựng của CCB Nguyễn Tuấn Khoát, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn; hợp tác xã khai thác đá, giám sát công trình giao thông, thủy lợi của CCB Nguyễn Văn In, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng; mô hình xây dựng hạ tầng dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh doanh dịch vụ tiệc cưới, hội nghị của CCB Lại Quốc Toản, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn…

Ông Lại Quốc Toản cho biết: Tôi nhập ngũ năm 1978, ra quân năm 1995. Giai đoạn 1995 – 2001, tôi là Đội trưởng Đội xây dựng của Công ty Hồng Sơn (có trụ sở tại phường Đông Kinh). Năm 2001, tôi thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phú Lộc và sau đó đổi tên thành Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Phú Lộc. Mỗi năm, công ty tạo việc làm cho trên 100 lao động, trong đó, lao động thường xuyên khoảng 70 người, thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ hội đẩy mạnh phong trào CCB thi đua, giúp nhau phát triển kinh tế, đời sống hội viên trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Hiện toàn tỉnh có gần 13.500 hộ CCB khá, giàu, chiếm trên 39%; tỷ lệ hộ hội viên nghèo còn 8,5%, giảm 2,26% so với năm 2018. Số hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp không ngừng tăng, cấp tỉnh hiện có 23 hộ, cấp huyện 308 hộ, cấp xã 614 hộ; hội đang đề nghị cấp giấy chứng nhận hộ CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương cho 38 hộ.

Những kết quả trên đã khẳng định vai trò, vị trí của những người lính trên mặt trận mới, họ luôn năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, xây dựng quê hương Xứ Lạng ngày càng giàu đẹp.

HOÀNG HUẤN