Thứ sáu,  20/09/2024

Dịch vụ gói bánh chưng: Tất bật ngày giáp tết

(LSO) – Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thời điểm này nhiều cơ sở gói bánh chưng  đang tất bật chạy đua với thời gian để đưa sản phẩm đặc trưng phục vụ tết.

Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên trong dịp tết của gia đình người Việt. Ngày nay, cuộc sống thay đổi, đời sống con người được nâng lên, nhiều gia đình không còn tự gói bánh chưng nữa mà đã tìm đến các cơ sở dịch vụ gói bánh chưng để có thêm thời gian làm những công việc khác.

Được sự giới thiệu của người chị họ, chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hiếu, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn trong một buổi chiều giáp tết. Chị Hiếu đã có trên 20 năm làm nghề gói bánh chưng. Xuân Canh Tý 2020, chị đã nhận được đơn đặt làm trên một nghìn chiếc bánh chưng phục vụ tết ngay từ giữa tháng Chạp và hiện tại, cơ sở của chị đang tập trung cao độ để gói bánh giao cho khách.

Người dân làm bánh chưng phục vụ thị trường tết

Chị Hiếu chia sẻ: Mỗi ngày, tôi gói được trên 300 chiếc bánh chưng, gói theo yêu cầu của khách hàng là bánh vuông hay bánh dài, có nhiều khách đặt hàng nhiều đến 20 chiếc để mang đi biếu người thân. Xác định đây là nghề nuôi sống bản thân, gia đình nên tôi luôn đặt uy tín lên hàng đầu, tận tâm, chu đáo với khách hàng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cơ sở dịch vụ nấu cỗ Lê Tâm, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn là cơ sở dịch vụ nấu cỗ có tiếng lâu năm, trong đó có dịch vụ gói bánh chưng cho khách vào những ngày tết, bà Trần Thị Lê Tâm, chủ cơ sở cho biết: Năm nay, khách hàng đã đặt với cơ sở trên 3 nghìn chiếc bánh chưng. Để đảm bảo hàng giao cho khách kịp thời, tôi phải thuê 8 người làm, mỗi người phụ trách một công đoạn từ rửa lá, vo gạo, đãi đỗ, làm nhân, gói bánh… Những ngày này, các lò đều hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của khách.

Theo những người gói bánh chưng lâu năm,  để bánh chưng có vị thơm ngon thì nguyên liệu được lựa chọn phải cẩn thận, đó là thứ gạo nếp mùa Thất Khê (huyện Tràng Định), thịt lợn ba chỉ, đỗ mới, cùng với đó, lá dong phải được rửa sạch sẽ. Bánh muốn ngon phải được gói chặt tay thì khi luộc bánh mới dẻo, không bị thấm nước vào bên trong. Mỗi nồi bánh chưng thường luộc từ 12 – 13 tiếng, mỗi chiếc bánh nặng khoảng 1 kg đến 1,2 kg, giá bán năm nay động từ 50 – 100 nghìn đồng/chiếc. Dịch vụ gói bánh chưng tết không chỉ lưu giữ được nét văn hóa truyền thống mà còn đem lại thu nhập cho các hộ gia đình làm dịch vụ từ 20 – 30 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Qua khảo sát của phóng viên, Tết Canh Tý 2020, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn có khoảng 10 cơ sở làm dịch vụ gói bánh chưng tết. Ngay từ đầu tháng Chạp, nhiều cơ sở dịch vụ gói bánh chưng đã bắt đầu nhận đơn hàng, chuẩn bị sẵn các nguyên liệu để làm bánh phục vụ nhu cầu đặt hàng của khách. Chủ các cơ sở dịch vụ gói bánh chưng cho biết: Đây là thời điểm bận rộn nhất vì chỉ còn ít ngày nữa là chính thức đón một năm mới, các cơ sở dịch vụ gói bánh chưng đang khẩn trương gói bánh để trả hàng cho khách đến ngày 29 tháng Chạp.  Khách hàng chủ yếu đặt bánh chưng cho mâm cỗ của gia đình, một số cơ quan, doanh nghiệp mua để liên hoan tổng kết năm, ngoài ra còn có một số khách hàng đặt nhiều hơn để mang làm quà biếu người thân, họ hàng.

Chị Hoàng Thị Duyên, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gia đình tôi có người thân ở miền Nam nên năm nào cũng vậy, ngoài đặt bánh chưng cho gia đình, tôi còn mua hai chục chiếc bánh chưng để làm quà. Tôi chọn mua ở cơ sở làm bánh chưng uy tín nên dù không phải tự tay mình làm nhưng cũng rất yên tâm.

Với sự tỉ mỉ trong từng công đoạn, những người thợ làm bánh đã tạo ra những chiếc bánh chưng có hình thức đẹp ngon, đậm đà hương vị, tạo không khí vui tươi ấm áp của ngày tết. Đặc biệt, nhờ  dịch vụ gói bánh chưng, các gia đình có thể lựa chọn bánh theo kích cỡ và giá thành phù hợp, để trong mâm cỗ ngày tết có bánh chưng xanh, góp phần làm cho ngày tết thêm ý nghĩa, giữ gìn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

NGỌC MAI - KIM HUYÊN