Thứ sáu,  20/09/2024

Đẩy mạnh nghiên cứu cây giống, con giống chất lượng cao

Sau 10 năm triển khai đề án “Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020” ngành nông nghiệp nước ta đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn chưa thật sự “bắt nhịp” được nhu cầu của thị trường. Việc nghiên cứu, chọn tạo mới chỉ tập trung vào những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh.

Đẩy mạnh nghiên cứu cây giống, con giống chất lượng cao

Sản xuất giống cây cà-phê tại Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ cà-phê Eakamat, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). 

 

Những kết quả bước đầu

Vụ trưởng Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết, sau gần 10 năm thực hiện đề án “Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020” nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới được chọn tạo hoặc nhập nội. Những giống có ưu thế đã được áp dụng trên diện rộng, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh sản phẩm. Từ năm 2010 đến nay, đã có 685 giống cây trồng, 252 giống cây lâm nghiệp, 26 dòng/tổ hợp lai vật nuôi và 13 giống thủy sản được công nhận.

Cụ thể, trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi đã công nhận 26 dòng/tổ hợp lai vật nuôi mới. Nổi bật là các giống vịt PT-Đại Xuyên, gà ri vàng rơm-VCN/VP, dòng vịt lai thương phẩm VSM6. Đồng thời, ngành chăn nuôi còn làm chủ được công nghệ chọn tạo giống lợn. Tại Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương, ngay sau khi triển khai đề án, đơn vị này đã được Bộ NN và PTNT phê duyệt thực hiện dự án “Xây dựng và mở rộng trạm nghiên cứu, sản xuất giống lợn có năng suất, chất lượng cao”; nhập nội nguồn gien có năng suất và chất lượng cao để nghiên cứu cải tạo, tạo ra giống lợn mang thương hiệu Việt Nam. Từ nguồn kinh phí được đầu tư trong giai đoạn 2009-2015, Trung tâm đã xây dựng được một cơ sở chăn nuôi giống hạt nhân với quy mô chuồng trại 350 lợn nái tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh việc phát triển nguồn giống lợn trong nước, dự án cũng nhập nguồn gien cao sản cho cơ sở chăn nuôi lợn giống hạt nhân nêu trên, gồm các giống Landrace, Yorkshire và Duroc với tổng số 250 con lợn cái hậu bị và 40 con lợn đực hậu bị thuần từ Pháp, Mỹ và Ca-na-đa. Đến nay, các giống lợn và số lượng tinh lợn nhập nội được sử dụng nhân thuần, chọn lọc nâng cao năng suất, tăng quy mô lợn nái cho Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Kỳ Sơn lên 350 lợn nái, cải tạo thay thế và tăng quy mô đàn lợn nái sinh sản tại Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp lên 800 con. Các giống lợn đang được sử dụng để nghiên cứu, tạo ra các giống lợn mang thương hiệu Việt Nam có đặc điểm về ngoại hình, năng suất cao, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.

Cùng với ngành chăn nuôi, ngành trồng trọt công nhận 685 giống cây trồng (248 giống được công nhận chính thức, 437 giống sản xuất thử). Trong đó, công nhận chính thức 180 giống lúa. Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, bốn giống lúa do Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long chọn tạo được sử dụng rộng trong sản xuất, chiếm tới 40 đến 60% diện tích gieo trồng lúa toàn vùng, gồm các giống: OM 5451 (850.000 ha), OM 6976 (150.000 ha), OM 7347 (120.000 ha), OM 4900 (150.000 ha). Ngành nông nghiệp cũng công nhận chính thức 40 giống ngô lai và 56 giống sản xuất thử. Hiện, các giống ngô do Việt Nam lai tạo chiếm khoảng 40% thị phần ngô giống trong cả nước. Đối với cây ăn quả, công nhận 30 giống cây ăn quả chính thức. Hiện nay, các giống thanh long LĐ1, LĐ5 do Việt Nam chọn tạo chiếm 16.500 ha, chiếm khoảng hơn 40% diện tích trồng thanh long cả nước; các giống cây có múi chiếm khoảng 40 đến 45% tổng diện tích trồng cây có múi. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, trong giai đoạn 2010 đến nay, ngành lâm nghiệp đã công nhận chính thức 252 giống mới. Ngành thủy sản công nhận 13 giống thủy sản mới như các giống cá trắng, cá rô phi chọn giống theo hệ G0, giống rô phi chọn giống mặn lợ thế hệ G5, cá tầm Nga…

Theo Vụ trưởng Nguyễn Văn Việt, những năm qua, hệ thống nguồn gien cây trồng, vật nuôi tiếp tục được duy trì, lưu giữ và đánh giá. Đây là nguồn vật liệu quan trọng, phục vụ cho nghiên cứu, chọn tạo giống trước mắt và lâu dài. Một lượng lớn giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống đầu dòng, giống bố mẹ hạt lai… sản xuất ra từ các dự án được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp nhận để nhân các cấp giống tiếp theo, tiến tới sản xuất đại trà.

Phát triển đa dạng các loại cây, con giống

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng hiện nay công tác nghiên cứu, chọn tạo giống chủ yếu tập trung vào những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh (có tới 80,6% là giống lúa và giống ngô). Một số giống mới được công nhận nhưng chưa được sử dụng rộng rãi. Tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật chưa đạt mục tiêu đề ra. Riêng lĩnh vực trồng trọt, có tới 60% giống đậu tương, 50% giống lạc, 25% diện tích trồng sắn chưa được sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật, 30% diện tích cà-phê trồng mới không rõ nguồn gốc giống… Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay các cơ sở giống vật nuôi chưa đáp ứng đủ nhu cầu đàn bố mẹ cho sản xuất. Cả nước vẫn còn 37,5% số lượng bò thịt sử dụng giống địa phương năng suất thấp, 30% tổng số đàn gia cầm chưa sử dụng giống năng suất cao và tiến bộ kỹ thuật. Ngành lâm nghiệp cũng còn tồn tại nhiều bất cập, có tới 20% cây giống chưa được chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Ngành thủy sản có tới 50% giống cá tra và giống tôm sú chưa được kiểm soát chất lượng…

Lý giải về những bất cập trong công tác chọn tạo giống, Bộ NN và PTNT cho rằng, theo quy định hiện nay, thời gian công nhận giống đối với cây trồng, vật nuôi ngắn ngày khoảng 18 tháng. Trong khi đối với cây trồng dài ngày cần khoảng sáu đến bảy năm, với giống trâu, bò, ít nhất cần bốn năm… Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều loại cây trồng, vật nuôi dài ngày chưa được các thành phần kinh tế quan tâm nghiên cứu. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách thời gian qua chưa thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chọn tạo. Một bộ phận người dân còn thờ ơ trong việc ứng dụng các giống mới chất lượng, tiến bộ vào sản xuất.

Để nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, quản lý giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng hiện đại, cơ quan chức năng cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chọn tạo, sản xuất giống; thực hiện thành công cơ cấu lại ngành. Có cơ chế đặc thù hỗ trợ nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực này. Đồng thời, ưu tiên, tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng đất để nghiên cứu và sản xuất giống cây trồng bằng các hình thức như không thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất với giá ưu đãi cao nhất. Cơ quan chức năng cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy trình công nghệ nhân, bảo quản, chế biến giống để chuyển giao cho các doanh nghiệp, các gia đình sản xuất giống. Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại trong nghiên cứu và sản xuất giống như: công nghệ sinh học, công nghệ chuyển gien, nuôi cấy mô tế bào…

Theo Nhandan